Từ ngày 15-12, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chính thức điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với tất cả khách hàng doanh nghiệp (DN). Ðộng thái này càng làm rõ hơn xu hướng giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp của hệ thống ngân hàng nhằm đẩy mạnh nguồn vốn lưu thông trong nền kinh tế, nhất là khi mùa cao điểm đầu năm chuẩn bị vốn cho sản xuất, kinh doanh đang cận kề.



Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Vietcombank.

Lãi suất giảm, thanh khoản dồi dào

Mới đây nhất, Chủ tịch HÐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các DN, Vietcombank quyết định triển khai giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng DN trong thời gian ba tháng kể từ ngày 15-12-2020 đến hết ngày 15-3-2021. Ðối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản vay đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank. Theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất lần thứ 5 này tác động đến khoảng 150 nghìn DN, giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng. "Vietcombank kỳ vọng, việc giảm lãi suất đợt này sẽ là hành động thiết thực, thể hiện cam kết cùng khách hàng vượt qua khó khăn và mong muốn khách hàng tiếp tục đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian tới" - Chủ tịch HÐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành chia sẻ.

Bước vào tháng cuối cùng của năm 2020, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã chủ động tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cả huy động lẫn cho vay. Ðây là một tín hiệu khả quan, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi của nền kinh tế sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ðại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn, hướng đến tạo điều kiện phục hồi nhanh nền kinh tế do tác động của dịch Covid-19, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với nền kinh tế, trên cơ sở diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm ba lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5 - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. Ðồng thời, để hỗ trợ TCTD giảm chi phí, NHNN đã giảm 0,6 - 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới sáu tháng; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm (hiện ở mức 4,5%/năm). Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Việc điều hành giảm các mức lãi suất nêu trên cùng với các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ đã tác động làm giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Ðến tháng 10-2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6 - 0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó một số ngân hàng đã giảm từ 1 - 2,5%/năm; lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm. Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đã giảm bớt khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn vay cho DN và người dân.

Nới hạn mức tăng trưởng tín dụng

Dù mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp, thanh khoản dồi dào, nhưng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống vẫn không cao khi nhu cầu vay vốn của DN hạn chế. Có thể cảm nhận rất rõ "sức khỏe" của DN Việt Nam đang yếu đi rất nhiều so với trước dịch Covid-19. Số DN tham gia thị trường, gồm đăng ký thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng thấp, trong khi số DN ra khỏi thị trường (gồm giải thể, tạm dừng hoạt động kinh doanh) khá nhiều. Giám đốc một công ty nhựa bao bì với 40 công nhân, có trụ sở chính tại Hà Nội cho biết, chín tháng đầu năm 2020, doanh thu của công ty đã sụt giảm tới hơn 50%, nhu cầu vay mới không có bởi thị trường gần như "đóng băng". Vấn đề ở đây là nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của DN. Khi nhu cầu vốn giảm, lãi suất ngân hàng dù có giảm thêm cũng không có nhiều tác dụng. Do vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, dù mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng để thúc đẩy tín dụng, điều quan trọng là phải cải thiện được nhu cầu sử dụng vốn của DN. Theo TS Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, điều DN trông đợi nhất lúc này là các gói hỗ trợ đủ mạnh, đủ thời gian giúp DN phục hồi.

Chủ tịch HÐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết, trong bối cảnh nhiều đơn vị trong hệ thống bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Vietcombank vẫn là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng khá cao. Ðến hết tháng 11-2020, tốc độ tăng trưởng của Vietcombank đạt hơn 10% và mới đây được NHNN nới room lên 14%. Dự kiến cả năm, ngân hàng sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 13 - 14%. Không những có tăng trưởng tín dụng cao, Vietcombank cũng là ngân hàng có mức nợ xấu thấp nhất ở mức dưới 1%.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 27-11, tín dụng đối với toàn bộ nền kinh tế đã tăng 8,46% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,89%). Các lĩnh vực ưu tiên cho vay như nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa đều có mức tăng trưởng khá, từ 6,5 - 8,2%. Các lĩnh vực có nhiều DN nhỏ và vừa hoạt động như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống… đều tăng 8-10%. NHNN cũng vừa đồng ý nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM có kế hoạch tăng trưởng tín dụng tốt trong năm 2020. Việc nới room tín dụng diễn ra ở cả ba nhóm ngân hàng: NHTM nhà nước, NHTM cổ phần và ngân hàng nước ngoài. Theo đó, hạn mức tín dụng tăng thêm đợt này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của DN phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh cuối năm. Mặt khác, những TCTD được nới room đều đã sử dụng hết hạn mức tín dụng đã được cấp đầu năm và phương án tăng thêm hạn mức tín dụng của TCTD có đánh giá về mức độ mở rộng cho vay vào lĩnh vực, dự án cụ thể.

Trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, NHNN cam kết đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế và tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các NHTM có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho TCTD mở rộng cấp tín dụng cho người dân, DN, nhưng vẫn phải bảo đảm an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN; tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, nhất là đối với người dân, DN khu vực miền trung và Tây Nguyên.

        Theo Báo Nhân dân

Các tin khác


Tăng cường phối hợp kiểm soát trọng tải phương tiện và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

(HBĐT) - Ngày 18/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 8/10/2019 về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh chủ trì hội nghị

Năm 2020, tỉnh có 44 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

(HBĐT) - Chiều 18/12, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020 (lần 2). Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chủ trì hội nghị. 

Bỏ phiếu xét, công nhận xã Toàn Sơn đạt chuẩn nông thôn mới

(HBĐT) - Sáng 18/12, UBND tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận xã Toàn Sơn (Đà Bắc) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2020. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị.

Thành phố Hòa Bình: Ban hành 9 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

(HBĐT) - Trong tháng 11, TP Hòa Bình đã ban hành 9 Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với số tiền trên 19 tỷ đồng; phối hợp với chủ dự án chi trả cho các hộ dân với số tiền 46 tỷ đồng.

Hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển bền vững

(HBĐT) - Với mục tiêu phát triển công nghiệp bền vững, hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02, ngày 28/12/2015 về phát triển CN-TTCN giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển CN-TTCN và nhiều văn bản quan trọng khác. Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tham mưu xây dựng các văn bản, cơ chế, chính sách, kế hoạch để triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy đạt hiệu quả cao nhất.

UBND tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri: Có phương án đền bù cho các hộ bị ảnh hưởng do thi công đường 435

(HBĐT) - Cử tri hỏi: Trong quá trình thi công đường 435, một số đoạn bị sạt lở nhiều vào đất vườn của người dân. Vậy, phần diện tích bị sạt lở có được đền bù hay không?

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục