(HBĐT) - Thời gian qua, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất được các sở, ngành quan tâm, ban hành nhiều hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, việc cấp GCNQSDĐ hiện chậm được triển khai thực hiện, còn nhiều bất cập.


Cán bộ xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) hướng dẫn người dân các thủ tục hồ sơ về đất đai.

 Những bất cập trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thực hiện pháp luật về đất đai, thời gian qua, Sở TN&MT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, phát hiện, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp GCNQSDĐ. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng TN&MT, UBND xã, phường, thị trấn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị, tổ trưng tập, đơn vị thi công kê khai đăng ký cấp GCN QSDĐ... Tuy nhiên, việc cấp GCN QSDĐ tại một số đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập. Tình trạng tồn đọng hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ tại các huyện, thành phố, tình trạng cấp chồng lấn, cấp giấy khi chưa có đầy đủ thủ tục cần thiết dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm. Đặc biệt, nhiều hộ dân thuộc các dự án tái định cư (TĐC) bị chậm cấp GCNQSDĐ. Thậm chí, TĐC 10 năm vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Dự án TĐC tại xóm Ong, xã Nam Phong (Cao Phong) là một ví dụ. Theo báo cáo, dự án do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng, đồng thời bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan đến dự án từ ngày 29/8/2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Và theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ đang dừng ở giai đoạn đo đạc địa chính.

Tương tự, nhiều dự án TĐC do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, như dự án TĐC tại các huyện Đà Bắc, Kim Bôi... dù đã được bàn giao, đưa vào sử dụng, nhưng việc cấp GCNQSDĐ bị chậm, ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế của các hộ dân. Theo đồng chí Bàn Thị Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa, khu TĐC Lau Bai, xã Tiền Phong có 33 hộ. Hầu hết các hộ tại khu TĐC bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người dân mong muốn được vay vốn phát triển sản xuất, nhưng do chưa được cấp GCNQSDĐ nên việc thế chấp vay vốn gặp nhiều khó khăn, phát sinh nhiều loại giấy tờ, các hộ khó tiếp cận nguồn vốn.

Cùng với đó, việc cấp GCN QSDĐ cho các nông, lâm trường trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều bất cập. Qua rà soát, theo Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, ngày 22/9/2004 của Chính phủ, địa bàn tỉnh có tổng diện tích trên 28.898 ha đất do các công ty nông, lâm nghiệp (NLN) quản lý (Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình quản lý 22.776,91 ha, 6 công ty nông nghiệp quản lý 6.121,19 ha). UBND tỉnh đã quyết định cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ cho các công ty NLN quản lý với diện tích 13.200,26 ha (Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình 9.774,74 ha, 6 công ty nông nghiệp 3.425,52 ha). UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 13.568,76 ha đất do các NLT quản lý để giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng theo kế hoạch sử dụng đất. Diện tích còn lại 2.129,08 ha, gồm 1.201,5 ha không thực hiện thu hồi do đã cấp GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; 1.008,93 ha đang tiếp tục rà soát.

Không chỉ chậm giải quyết đối với các hộ TĐC, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình hiện cũng là vấn đề bức xúc tại nhiều địa phương. Đồng chí Bùi Văn Hòa, Phó Chủ tịch HĐND huyện Yên Thủy cho rằng: Việc cấp GCNQSDĐ hiện nay gặp nhiều vướng mắc, triển khai chậm, bên cạnh khó khăn trong công tác đo đạc địa chính còn có khó khăn do thủ tục hành chính. Trong đó, cả việc in ấn GCNQSDĐ cũng có bất cập ở chỗ, theo quy trình, đối với việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, sau khi đo đạc, xã hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, UBND huyện thẩm định đủ điều kiện cấp giấy, nhưng lại do Văn phòng Đăng ký đất đai in GCNQSDĐ, sau đó chuyển về cho Chủ tịch UBND huyện ký rồi mới giao cho hộ dân. Như vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở TN&MT chỉ làm mỗi động tác in bìa rồi chuyển lại huyện. Nguyên khâu chuyển đi, chuyển lại đã mất nhiều thời gian.

GCNQSDĐ, hay còn gọi là sổ đỏ là chứng thực có giá trị pháp lý, xác lập mối quan hệ giữa Nhà nước với người sử dụng đất về quyền hạn, nghĩa vụ trong việc sử dụng đất đai. Đồng thời, là căn cứ để chính quyền xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp. Vì vậy, việc cấp GCNQSDĐ có ý nghĩa rất lớn trong việc quản lý, sử dụng tài nguyên đất, rà soát, theo dõi sự biến động về đất. Không những vậy, việc cấp GCNQSDĐ còn là một tiền đề quan trọng để làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hút các dự án đầu tư có thu hồi đất. Theo đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi: Đối với các dự án cần thu hồi đất, khi đất chưa có GCNQSDĐ buộc phải xác định nguồn gốc đất, cũng như tiến hành đo đạc, kiểm đếm. Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, cũng ảnh hưởng nhiều đến các dự án do doanh nghiệp tự thỏa thuận về đất đối với người dân. Bởi, theo quy định, chỉ thỏa thuận với các hộ dân đã có GCNQSDĐ. Giải quyết vấn đề này, về lâu dài cần sớm hoàn thành dự án đo đạc địa chính tổng thể của huyện, để hoàn thiện bản đồ địa chính huyện. Từ đó làm căn cứ quản lý, theo dõi biến động về đất.

Cần có giải pháp cụ thể cho từng loại đất

Theo đánh giá của ngành TN&MT, một trong những nguyên nhân của tình trạng chậm cấp GCNQSDĐ là do nguồn gốc đất, hồ sơ địa chính làm cơ sở cấp GCNQSDĐ rất phức tạp. Trong khi đó, công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chưa được gắn với công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai nên hồ sơ không thống nhất, khó thực hiện. Tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, không sử dụng đất, chuyển nhượng đất mà không làm thủ tục theo quy định, tranh chấp đất ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, trong khi các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai còn một số bất cập, không đồng bộ, thay đổi qua từng thời kỳ, do đó, khi áp dụng căn cứ pháp luật để giải quyết vụ việc giữa các ngành liên quan không đồng nhất. Đối với thực hiện cấp lại GCNQSDĐ theo bản án của tòa án, do hồ sơ và biên lai thực hiện nghĩa vụ tài chính của một số gia đình, cá nhân không có để tra cứu; hiện trạng sử dụng đất không có mốc giới, ranh giới, thiếu đất tại thực địa so với giấy tờ và GCN QSDĐ đã được cấp… Thậm chí, nhiều hộ chỉ khi có phát sinh giao dịch, tranh chấp mới đến đăng ký và làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ.

Để khắc phục những vướng mắc trên, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, ngành TN&MT tỉnh cần tiếp tục rà soát các tồn tại, vướng mắc trong công tác triển khai cấp GCNQSDĐ, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho từng loại đất. Thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai ở các cấp; tổ chức thực hiện nghiêm quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền người sử dụng đất về tầm quan trọng của GCNQSDĐ, những lợi ích mang lại sau khi được cấp GCNQSDĐ. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về cấp GCNQSDĐ, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính ở các cấp, ngành. 

Phương Linh


Đề nghị cải cách thủ tục hành chính về đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Trong quá trình giám sát, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hiện nay đang là một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận. Thực tế phải nhìn nhận quy trình, thủ tục đăng ký cấp GCNQSDĐ còn nhiều bất cập. Trong đó, pháp luật đã quy định việc phân cấp quản lý cấp GCNQSDĐ thuộc Chủ tịch UBND huyện, thành phố. Vậy có cần thiết không việc chuyển hồ sơ lên Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) để in bìa rồi lại chuyển lại cho Chủ tịch UBND huyện ký GCNQSDĐ.

Không chỉ vậy, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, việc cấp GCNQSDĐ chậm ở nhiều khâu, từ khâu thẩm định, tính thuế đến khâu in bìa. Vì vậy, kiến nghị UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo để làm sao cải cách các thủ tục hành chính về đất đảm bảo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.


Bùi Văn Hành, 

Chủ tịch HĐND huyện Lạc Sơn

 

 

Cấp thiết vấn đề đo đạc địa chính tổng thể trên địa bàn tỉnh

 

Một trong những khó khăn trong công tác quản lý đất đai hiện nay chính là việc cấp giấy chứng nhận chưa gắn liền với công tác cập nhật, chỉnh lý biến động về đất đai. Để thuận lợi cho việc thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ, thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi, cần thiết phải có đo đạc địa chính tổng thể. Hiện nay, việc này đã được triển khai tại một số huyện, thành phố. Tuy nhiên, đến thời điểm này có huyện Cao Phong đang triển khai và còn huyện Đà Bắc, Mai Châu chưa được triển khai. Khi có bản đồ địa chính tổng thể sẽ thuận lợi cho việc điều chỉnh, theo dõi biến động về đất, thuận lợi cho công tác quán lý tài nguyên đất nói chung cũng như việc thẩm định, xác minh và cấp GCNQSDĐ.


Nguyễn xuân Toàn 

Sở Tài nguyên và Môi trường

 


Thực hiện nghiêm quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 

Hiện nay, việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân do các hộ tự liên hệ với cán bộ địa chính cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế có nhiều trường hợp cấp GCNQSDĐ không đúng, cấp lấn sang hộ liền kề, cấp quá diện tích so với quy định.

Để tránh những tranh chấp không đáng có tại cơ sở, đề nghị cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, thủ tục về cấp GCNQSDĐ, có ký hộ giáp ranh, liền kề, có xác minh rõ ràng nguồn gốc đất. Khi có xác minh phải niêm yết công khai, hoặc công bố tại khu dân cư để người dân được biết, tránh những tranh chấp, kiếu nại về sau.

 

Nguyễn Văn Cừ 

Xã Mông Hóa (TP Hòa Bình)


Các tin khác


Kiểm tra tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án hồ chứa nước Cánh Tạng

(HBĐT) - Sáng 31/12, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc kiểm tra tiến độ thực hiện hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án hồ chứa nước Cánh Tạng (Lạc Sơn).

Vốn chính sách - “bà đỡ” của hộ nghèo huyện vùng cao Đà Bắc

(HBĐT) -Những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, đời sống Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Đà Bắc từng ngày được cải thiện. Trong đó, việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách đã tạo đòn bẩy, thực sự trở thành "bà đỡ” của người nghèo và các đối tượng chính sách trong hành trình vượt lên đói, nghèo.

Huyện Lương Sơn - hạt nhân vùng động lực của tỉnh

(HBĐT) - Trong những năm qua, kinh tế huyện Lương Sơn được đánh giá có tăng trưởng khá cao. Kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư, nâng cấp, diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Thành phố Hòa Bình phát triển xứng tầm trung tâm của tỉnh

(HBĐT) - Năm 2020 được coi là dấu ấn đặc biệt của thành phố Hòa Bình - năm thực hiện sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố. Đây là nhiệm vụ chiến lược, tạo vị thế mới cho thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh. Với diện mạo mới, thành phố hiện nay có 10 phường, 9 xã với 348,65 km2, dân số trên 135.000 người.

Nông nghiệp vượt khó khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế

(HBĐT) - Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của Sở NN&PTNT, cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của nông dân, năm 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH.

Thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của tỉnh năm 2020

(HBĐT) - Năm 2020, từ tác động của dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới, cùng với đó là thiên tai bất thường, thời tiết khô hạn cực đoan tiếp tục diễn ra gay gắt, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển KT-XH của tỉnh ta. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, KT-XH của tỉnh trong năm 2020 đã đạt được những kết quả nhất định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục