(HBĐT) - Với sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của Sở NN&PTNT, cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của nông dân, năm 2020, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển KT - XH.


 Sản phẩm chuối của HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) được người tiêu dùng ưa chuộng.

 Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tạo điều kiện mở rộng sản xuất, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua sản xuất của nông dân. Ngành chủ động thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM và các chương trình, dự án; bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất. Hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP. Quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp… Sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương và nông dân góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch sản xuất đề ra. Hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chương trình MTQG xây dựng NTM, Chương trình OCOP lan tỏa tới từng người dân.

Lĩnh vực trồng trọt duy trì, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung tại huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lương Sơn. Cây ăn quả có múi duy trì và trồng tái canh diện tích bằng các giống có năng suất, chất lượng cao như: Cam CS1, cam BH, cam V2, bưởi đỏ, bưởi Diễn… Tổng diện tích cây ăn quả có múi trên 11,5 nghìn ha, diện tích kinh doanh trên 8 nghìn ha; sản lượng đạt trên 15 vạn tấn. Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện dồn điền, đổi thửa với mô hình cánh đồng mẫu lớn sử dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khẳng định được tính ưu việt. Các trang trại, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao như sử dụng phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm sinh học, sản xuất trong nhà màng, nhà lưới, mang lại thu nhập cao tại huyện Lương Sơn. HTX nông, lâm nghiệp, thủy lợi Tân Vinh (Lương Sơn) đầu tư nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt sản xuất rau an toàn. HTX chuối Viba (Lương Sơn) trồng chuối theo tiêu chuẩn VietGAP, với hệ thống phun tưới tự động, phủ nilon...

Bước vào sản xuất vụ mùa, nhiều nông dân lo lắng khi tình hình hạn hán, giá cả vật tư nông nghiệp biến động, nhiều loại sâu bệnh phát sinh. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo kịp thời của Sở NN&PTNT, cùng sự chủ động của nông dân trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã làm nên một vụ mùa bội thu, năng suất đạt kỷ lục trong 5 năm gần đây. Năng suất lúa vụ mùa đạt khoảng 54 tạ/ha, có nơi đạt gần 60 tạ/ha. Chị Bùi Thị Thường, xóm Chanh, xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) chia sẻ: Chưa bao giờ lúa vụ mùa lại tốt và năng suất cao như năm nay, hạt nào hạt nấy đều chắc nịch. Vụ này, gia đình tôi cấy giống lúa BC15, được hỗ trợ của UBND huyện phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái trên toàn cánh đồng xóm Chanh. Gia đình tôi còn sử dụng phân bón hữu cơ nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ hạt chắc cao.

Song hành cùng lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi phát huy được sức mạnh nội lực, với nhiều loại vật nuôi bản địa đặc sản. Chăn nuôi chuyển sang tập trung, quy mô lớn, phát triển các trang trại theo chuỗi khép kín, chăn nuôi sinh học. Dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi, ngành NN&PTNT đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, cẩn trọng khi tái đàn. Chú trọng phát triển các giống vật nuôi thế mạnh như gà, dê. Hiện, tổng đàn gia súc toàn tỉnh là 696,7 nghìn con (trâu 116 nghìn con, bò 84,8 nghìn con, lợn 445 nghìn con, dê 52 nghìn con); đàn gia cầm trên 7,67 triệu con. Tổng sản lượng gia súc, gia cầm đạt 94,85 nghìn tấn. Sản phẩm gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn, dê núi Lương Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Năm 2020, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đạt 120 nghìn ha, trong đó, diện tích cây lương thực có hạt đạt 70 nghìn ha, sản lượng đạt 36 vạn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch. Toàn tỉnh trồng được trên 200 nghìn cây phân tán và cây ăn quả phục vụ Tết trồng cây, trên 6,2 nghìn ha rừng tập trung, tăng 9% so với kế hoạch năm. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 51,5%. Toàn tỉnh có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước và trên 4,7 nghìn lồng nuôi cá, sản lượng thu hoạch ước đạt 11,15 nghìn tấn. Trong năm, có thêm 5 xã về đích NTM, nâng tổng số xã về đích NTM là 58 xã (chiếm 44,27%), trung bình 1 xã đạt 15,31 tiêu chí; có 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 46 khu dân cư kiểu mẫu, 151 vườn mẫu. Thực hiện Chương trình OCOP, có thêm 44 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nâng tổng số sản phẩm OCOP cấp tỉnh là 71 sản phẩm.

 

Thu Thủy

Các tin khác


Điều kiện để trái bưởi tươi Việt Nam xuất khẩu vào Australia

Quả bưởi tươi của Việt Nam có thể được phép nhập khẩu vào thị trường Australia nếu sản phẩm đáp ứng các điều kiện an toàn sinh học.

Quyết liệt các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách

Hiện đã qua 1/3 chặng đường thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024. Bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt các giải pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, quản lý thu, tỉnh Hòa Bình đã đạt kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Huyện Tân Lạc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi thời điểm nắng nóng

Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan trên đàn vật nuôi. Do đó, huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các ngành chức năng và các xã, thị trấn phối hợp, hướng dẫn người chăn nuôi phương pháp chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chọn vàng hay bất động sản?

Vàng và bất động sản là 2 danh mục đang được người dân quan tâm bởi nhu cầu thực, tích lũy hay đầu tư đều lớn.

Thủ tướng chỉ thị về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục