Hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hòa Bình dồi dào nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Siêu thị tại Trung tâm thương mại AP Plaza chuẩn bị đầy đủ hàng bình ổn giá Tết phục vụ Nhân dân.
Sau sáp nhập, bước đầu gặp những khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành, song lãnh đạo thành phố đã chủ động, tích cực, đổi mới, tạo sự nhịp nhàng, hiệu quả trong công việc. Công tác sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ, ổn định bộ máy được quan tâm, đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi toàn diện các mặt công tác. Thành phố đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với sự thống nhất và quyết tâm cao. Trong đó, phấn đấu xây dựng TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II trước năm 2025. Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, thành phố đã xây dựng chương trình hành động với lộ trình cụ thể và bắt tay thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệm vụ đã tạo ra những bước chuyển. Ngay từ đầu năm, thành phố đã xây dựng và triển khai thực hiện chủ đề hành động "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành”. Đặc biệt, trưởng các phòng, ban, đơn vị ký cam kết thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố. Đáng chú ý, trong công tác CCHC, nếu để hồ sơ TTHC chậm so với quy định, trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố sẽ gửi thư xin lỗi đến tổ chức, cá nhân. Đồng thời, người đứng đầu bộ phận chuyên môn phải chịu trách nhiệm trước đồng chí Chủ tịch. Đây được coi như bước đột phá với tinh thần "việc hôm nay chớ để ngày mai”, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, chú trọng đẩy mạnh các biện pháp thúc đẩy thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4. Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Bí thư Thành ủy Hòa Bình Ngô Ngọc Đức khẳng định: Với sự đoàn kết, đồng lòng, đổi mới, quyết tâm, TP Hòa Bình đã thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển KT-XH. Nổi bật, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 532,87 tỷ đồng, bằng 100,71% nghị quyết HĐND thành phố giao, tăng 4,08% so với năm 2019. Thu ngân sách địa phương ước đạt 983,443 tỷ đồng, bằng 111,07% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thành phố giao, tăng 5,19% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Các chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28%; thu nhập bình quân đầu người đạt 66 triệu đồng...
Sản xuất CN-TTCN duy trì phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất (giá thực tế) ước đạt 6.443,34 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch. Thành phố hiện có 109 doanh nghiệp, 1.469 hộ cá thể, thu hút 13.980 lao động. Trong năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 4.000 lao động, đạt 100,2% kế hoạch. Tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 11.000 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng vẫn có sự tăng trưởng, đạt 16.693,8 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2019, vượt 8,2% so với kế hoạch. 13 chợ, 4 siêu thị, 3 trung tâm thương mại và các cửa hàng thương mại, dịch vụ trên địa bàn hoạt động an toàn, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, du khách.
Công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được chú trọng. Thành phố đã phối hợp với Sở Xây dựng lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2045. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Đề án thành lập phường Quỳnh Lâm, Trung Minh; Đề án phân loại đơn vị hành chính TP Hòa Bình và các phường, xã thuộc thành phố. Quy hoạch đô thị đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý Nhà nước theo quy hoạch chung trên từng lĩnh vực, phù hợp, thống nhất với các quy hoạch đã ban hành. Hoạt động chỉnh trang, chiếu sáng đô thị được quan tâm, tạo diện mạo mới cho đô thị.
TP Hòa Bình sôi động với việc triển khai thực hiện 77 dự án về giải phóng mặt bằng (GPMB), vượt hơn nhiều so với năm 2019. Trong đó có các công trình, dự án lớn, trọng điểm của tỉnh và thành phố, tạo diện mạo mới cho đô thị trung tâm tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế như: Cầu Hòa Bình 2; đường nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng; mở rộng, nâng cấp đường Hoàng Văn Thụ, đường 435; khu đô thị Thống Nhất; khu công nghiệp bờ trái Sông Đà, Mông Hóa; cụm công nghiệp Yên Mông, Chăm Mát - Dân Chủ... Khối lượng GPMB và chi trả chính sách bồi thường các dự án trọng điểm đã đạt 95%.
Trong xây dựng NTM, thành phố đẩy mạnh thực hiện các dự án mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; lồng ghép các nguồn vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Xã Hợp Thành đang hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao; xã Yên Mông hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 9 xã hoàn thiện hồ sơ công nhận các khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu.
Lĩnh vực VH-XH tiếp tục có bước phát triển. Duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi, PCGD tiểu học và THCS mức độ 3, PCGD xóa mù chữ mức độ 2. Có thêm 1 trường đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 50/68 trường. 100% phường, xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. 92% người dân tham gia BHYT. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng. ANCT, TTATXH ổn định. Với những kết quả toàn diện, TP Hòa Bình tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là trung tâm, vùng động lực kinh tế của tỉnh.
Cẩm Lệ