Lãnh đạo UBND xã Phú Vinh (Tân Lạc) kiểm tra, hướng dẫn người dân phòng, chống rét cho trâu, bò.
Trên diễn đàn bàn về công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh ở thời điểm đầu năm 2019, nhiều lãnh đạo cấp sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đặt câu hỏi với người có thẩm quyền, cấp có thẩm quyền như: Sáp nhập 1 xã vùng II với 1 xã vùng III thì đơn vị hành chính đó sẽ trở thành xã vùng II hay xã vùng III; trụ sở xã mới đặt nơi nào cho thuận tiện, có xóm cách trung tâm xã tới 20 km; chế độ, chính sách, quyền lợi của người dân ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn chuyển thành vùng II hoặc vùng I được tính như thế nào; việc thay đổi hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bìa đất… cho Nhân dân được thực hiện ra sao? Những câu hỏi liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã cũng được các đại biểu làm "nóng” nghị trường các Kỳ họp thứ 15, 16 của HĐND tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Điều này cho thấy, lời dạy của Bác Hồ "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh” đã thấm sâu vào suy nghĩ, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), nhất là những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Bằng tâm huyết, trí tuệ và sự nêu gương của mỗi CB, ĐV đã đóng góp xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là những người dân sống ở vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, đồng bào DTTS như: Đề án 395 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới; Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020. Hàng năm, trong chương trình nhiệm vụ trọng tâm, UBND tỉnh luôn chú trọng nội dung phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS theo hướng bền vững; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, nâng cao đời sống Nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng.
Có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sát sao của từng cấp, ngành, cá nhân được phân công phụ trách đã tạo được sự đồng thuận, khơi dậy nguồn lực trong dân thúc đẩy phát triển KT-XH, làm đổi thay sắc diện từ khu vực thành thị tới vùng sâu, cao, xa. Theo khảo sát, thống kê của Ban Dân tộc tỉnh: Đến thời điểm hiện tại, hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm củng cố vững chắc, hoạt động có hiệu quả. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ vùng đồng bào DTTS từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, dần hình thành vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa. Kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, có trường mầm non, TH&THCS, trạm y tế. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện tốt. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS được cải thiện, nâng cao.
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)