Tham gia Chương trình FFF giai đoạn II, gia đình anh Đinh Công Xuyến, xóm Đồng Bầu, xã An Bình (Lạc Thủy) đầu tư trồng nấm sò trắng với hơn 11 nghìn giá thể.
Toàn xã An Bình có 1.850,5 ha rừng, trong đó, rừng sản xuất 1.150,1 ha, rừng phòng hộ 700,4 ha. Từ lợi thế đó, HND tỉnh đã lựa chọn xã An Bình để thực hiện Chương trình FFF giai đoạn II. Ban quản lý dự án HND tỉnh phối hợp HND huyện Lạc Thủy, chính quyền xã An Bình thành lập nhóm nòng cốt cộng đồng ở cấp xã. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng cho thành viên nhóm nòng cốt, các tổ hợp tác (THT), HTX, hộ nông dân làm rừng và trang trại. Bên cạnh đó, HND tỉnh tổ chức cho thành viên nhóm nòng cốt thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị, chăn nuôi gà dưới tán rừng, trồng nấm hữu cơ.
Anh Bùi Hoàng Minh, xóm An Sơn là một trong những hội viên HND hưởng lợi từ Chương trình FFF giai đoạn II. Tận dụng mùn cưa sau chế biến gỗ, anh mạnh dạn đầu tư mô hình trồng nấm sò trắng. Hiện, quy mô nấm sò trắng của gia đình anh trên 30 vạn giá thể. Mỗi ngày thu từ 5 - 6 tạ nấm, giá bán 30.000 đồng/kg, cho thu nhập từ 13 - 15 triệu đồng. Gia đình anh tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên, mức lương từ 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Thị trường tiêu thụ nấm sò chủ yếu tại Hà Nội, Ninh Bình và các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh.
Cùng với mô hình trồng nấm, Chương trình FFF giai đoạn II còn hỗ trợ THT, HTX, hộ nông dân nuôi gà dưới tán rừng. Ông Vũ Duy Kiên, xóm An Sơn tích cực tham gia tập huấn kiến thức về kỹ thuật chọn giống, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho gia cầm trong mùa đông do Ban quản lý dự án FFF tổ chức. Từ kiến thức tích lũy được, ông tận dụng toàn bộ diện tích đất đồi rừng của gia đình chăn nuôi gà dưới tán cây. Quy mô chăn thả duy trì trên 1 vạn con gà ri thương phẩm, mỗi năm xuất 2 lứa với khoảng 25 tấn gà thịt, giá bán từ 70 - 75.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hơn 400 triệu đồng từ nuôi gà.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức trong sản xuất, Chương trình FFF giai đoạn II hỗ trợ HTX, THT, hộ nông dân quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm như: Hội chợ nông nghiệp, triển lãm sản phẩm OCOP vùng trung du và miền núi phía Bắc; hội chợ, triển lãm AgroViet lần thứ 20 tại Hà Nội… Chương trình đã hỗ trợ HTX Hải Đăng, HTX Anh Sinh làm quy trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu sản phẩm… Tháng 11/2020, HTX Hải Đăng và HTX An Sinh được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm để sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các loại rau, củ và các loại nấm...
Đồng chí Dương Xuân Mạnh, Chủ tịch HND huyện Lạc Thủy đánh giá: Sau 1 năm thực hiện, Chương trình FFF giai đoạn II cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, mở ra hướng phát triển sản xuất bền vững cho các nhóm cộng đồng, hộ nông dân phát triển sản xuất dưới tán rừng tại xã An Bình. Thời gian tới, HND huyện lồng ghép các hoạt động nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân, cũng như các THT, HTX chủ động trong lập kế hoạch, nâng cao năng lực sản xuất; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện để nâng tầm các sản phẩm thành chuỗi giá trị bền vững; nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế của HTX, THT trong cộng đồng; khai thác, phát huy tối ưu lợi thế của địa phương để cải thiện sinh kế cho người dân.
Thu Thủy