Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty TNHH Pacific (TP Hòa Bình) vẫn duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động.
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19
Trên 2.300 lao động phải tạm thời ngừng việc, 288 lao động của 69 doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động là những con số cụ thể, minh chứng dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề. Ngành LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 5.130 hồ sơ đề nghị trợ cấp thất nghiệp. Vấn đề lao động - việc làm cũng chịu tác động trực tiếp. Nếu trước đây, các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động của tỉnh như Samsung, Canon tuyển trên 1.000 lao động/năm, thì năm 2020, công tác tuyển dụng ở các doanh nghiệp này tạm dừng. Một số doanh nghiệp của tỉnh phải thực hiện cắt giảm lao động, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động... khiến công tác giải quyết việc làm càng khó khăn hơn.
Không chỉ vậy, dịch Covid-19 còn gây ra nhiều áp lực cho công tác giảm nghèo của tỉnh, năm 2020 là năm cuối triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh không thuận lợi đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Cùng thời gian này, Chính phủ đã có những chính sách quan trọng, đặc biệt là chính sách hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng có ý nghĩa "cứu cánh" đối với người dân. Trên cơ sở đó, ngành LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện gói hỗ trợ đến từng nhóm đối tượng. Kịp thời tiến hành thẩm định hồ sơ xác nhận của doanh nghiệp bị ảnh hưởng để đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị triển khai, thực hiện Quyết định số 32/2002/ QĐ-TTg, ngày 19/10/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg. Kết quả, toàn tỉnh đã hỗ trợ 900 hộ kinh doanh, gần 5.000 người lao động, 7.501 người có công, 22.806 đối tượng bảo trợ xã hội, 89.755 người thuộc hộ nghèo, 124.874 người thuộc hộ cận nghèo, tổng kinh phí 210 tỷ đồng.
Nhiều giải pháp vượt khó
Phục hồi và phát triển kinh tế là những vấn đề đặt ra ngay sau kết thúc thời gian giãn cách xã hội. Tỉnh đã khẩn trương triển khai Kết luận số 77-KL/TW, ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công...
Đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã mở 13 phiên giao dịch, mỗi phiên có gần 400 lao động, 30 doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tham gia. Thông qua đó, 681 lao động được tuyển dụng trực tiếp, hơn 1.000 lao động đã đăng ký học nghề, xuất khẩu lao động. 12 doanh nghiệp tuyển dụng lao động của tỉnh đi xuất khẩu lao động, 6 doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong nước được tạo điều kiện hoạt động. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức tư vấn trực tiếp cho trên 4.000 lượt lao động. Sở LĐ-TB&XH tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm thất nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn, Lạc Sơn, Mai Châu.
Hộ nghèo xã Hiền Lương (Đà Bắc) được tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi để đầu tư sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cũng trong thời gian này, nhiều nguồn lực xã hội được huy động lồng ghép, thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững, nhất là Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Với sự quan tâm, phối hợp của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, các chương trình, dự án giảm nghèo được triển khai hiệu quả về đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, dạy nghề, miễn giảm học phí...
Bên cạnh đó, đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được chăm lo; vận động ủng hộ quỹ Đền ơn - đáp nghĩa được 850 triệu đồng. Từ nguồn quỹ hỗ trợ, thực hiện xây mới, sửa chữa 3 nhà thuộc đối tượng người có công. 7.501 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng đã được hỗ trợ khó khăn do đại dịch Covid-19. 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công. 99,5% hộ chính sách, người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân trên cùng địa bàn cư trú.
Thành quả của nỗ lực và những vấn đề đặt ra
Năm 2020, toàn tỉnh giải quyết việc làm trong nước đạt 16.000 lao động, thực hiện 100% kế hoạch giao. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp giảm còn 59%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị chiếm 2,8%. Xuất khẩu lao động 69 người. Tỉnh đặt mục tiêu, kế hoạch của năm là giảm 2,8% hộ nghèo. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,6%, giảm 2,76% so với năm 2019, hộ cận nghèo còn 9,97%.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, tuy những kết quả thể hiện trên đây là đáng phấn khởi, nhưng vẫn còn không ít khó khăn đối với công tác lao động, việc làm, giảm nghèo bền vững. Đó là vấn đề tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ do diễn biến dịch Covid-19. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Một số hộ nghèo còn lại ở cuối giai đoạn là những hộ thiếu hụt nhiều tiêu chí nên khó có khả năng thoát nghèo. Việc nhập xã vào thị trấn phải áp dụng chuẩn nghèo cao làm tăng số hộ nghèo...
Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần, trên cơ sở rà soát hộ nghèo năm 2020, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh quyết định hỗ trợ hộ nghèo trong dịp Tết. Phối hợp Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động phong trào ủng hộ "Tết vì người nghèo", hoạt động Tết sum vầy cho công nhân lao động. Khảo sát, nắm bắt tình hình tiền lương, thưởng Tết cho lao động trong các doanh nghiệp. Chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm bắt đời sống của Nhân dân để có phương án hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu đói trong dịp Tết và những tháng giáp hạt, khi gặp thiên tai.
Mặt khác, tập trung điều tra, rà soát, xác định hộ nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025. Tăng cường lồng ghép nguồn lực thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội. Đề xuất UBND tỉnh ban hành và thực hiện kế hoạch trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho các đối tượng liên quan, giai đoạn 2021-2030. Đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng và nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội. Đây cũng là những giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội một cách ổn định, lâu dài và bền vững.
Cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững Năm 2020, huyện Cao Phong đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 1.310 người, đạt 131% kế hoạch tỉnh giao, 100,7% kế hoạch HĐND huyện giao. Công tác giảm nghèo bền vững cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Qua điều tra, rà soát, toàn huyện có 11.500 hộ, hộ nghèo còn 977 hộ, 3.786 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,5%, giảm 4,03% so với đầu năm 2020, vượt 2,03% kế hoạch HĐND huyện giao. Hộ cận nghèo có 1.108 hộ với 4.790 nhân khẩu, chiếm 9,63%, giảm 3,88%. Vấn đề lao động - việc làm, giảm nghèo còn một số tồn tại, hạn chế, như việc chỉ đạo thực hiện công tác giải quyết việc làm ở một số cơ sở còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa cụ thể hóa bằng kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhiều nhưng còn cao so với mức bình quân chung cả nước. Kết quả giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn chưa bền vững... Huyện đề xuất UBND tỉnh bổ sung thêm nguồn vốn vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Quan tâm hơn nữa trong việc phân bổ kinh phí thường xuyên cho công tác đào tạo nghề. Điều chỉnh mức hỗ trợ cho hộ tham gia dự án, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững phù hợp điều kiện từng địa phương; tăng kinh phí thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững... Bùi Anh Tuấn Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong |
Phát huy vai trò kết nối cung - cầu lao động Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ cuối tháng 8/2020, các phiên giao dịch việc làm - kênh kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp với người lao động mới được triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã cố gắng xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc tổ chức phiên giao dịch việc làm theo chương trình, kế hoạch đề ra. Cụ thể, đã mở 2 phiên giao dịch việc làm online, 11 phiên giao dịch việc làm lưu động đến địa bàn các xã, với 394 lượt doanh nghiệp và 4.678 lao động tham gia tuyển dụng. Năm 2021, để góp phần thực hiện chỉ tiêu tạo việc làm trong nước cho 15.800 lao động, tuyển sinh đào tạo nghề 15.000 chỉ tiêu, trung tâm tiếp tục tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đa dạng hóa hoạt động giao dịch việc làm, cũng như phát huy năng lực hoạt động sàn giao dịch việc làm. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, thông tin thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động. Dương Thị Kim Oanh Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh |
Tăng cơ hội để người nghèo tiếp cận chính sách Trong 2 năm gần đây, hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo đã tác động tích cực đến việc thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tổng nguồn kinh phí hỗ trợ từ chương trình, dự án khoảng 7,9 tỷ đồng, trong đó, huy động sức dân đóng góp trên 600 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện mô hình đã góp phần phát huy tính tự lực vươn lên của hộ nghèo. Tuy nhiên, cũng như một số địa phương trong tỉnh, do tình hình thiên tai, dịch bệnh, một số hộ nghèo trên địa bàn còn thiếu hụt nhiều tiêu chí, khó có khả năng thoát nghèo. Nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương là những năm tiếp theo, tỉnh, huyện tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ các chương trình, dự án giảm nghèo, lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình, dự án phát triển KT-XH. Thực hiện chính chính hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn, thời hạn thụ hưởng, giúp tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo. Bùi Văn Bến Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến (Tân Lạc) |
Bùi Minh