(HBĐT) - "Năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh vẫn ở mức cao, đạt 4,35%. So với tăng trưởng ngành nông nghiệp cả nước thì Hòa Bình đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố, là tốp dẫn đầu. Đó là kết quả tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp rất hiệu quả. Nổi bật là từ năm 2013, nhất là trong 5 năm trở lại đây, tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả với cây ăn quả có múi, trồng mía và rau các loại. Chính vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh nên giá trị sản xuất đất nông nghiệp của Hòa Bình hiện đã đạt 140 triệu đồng/ha, cũng là tốp đầu của cả nước trong năm 2020. Bộ NN&PTNT đánh giá cao về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh Hòa Bình”. Chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại tỉnh ta mới đây, đã cho thấy những gam màu tươi sáng của ngành nông nghiệp với vai trò trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà.


Nhiều hộ ở xã Ngọc Lương (Yên Thủy) phát triển mô hình trồng cây ăn quả có múi, kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã quy hoạch, ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề và chính sách phát triển sản phẩm lợi thế của tỉnh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn. Cây ăn quả có múi đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lương Sơn, Yên Thủy. Năm 2020, diện tích đạt trên 11,5 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh 8 nghìn ha, sản lượng trên 15 vạn tấn. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và mỗi địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Do đó, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày một đáp ứng yêu cầu của thị trường; năng suất bình quân đạt 21 - 22 tạ/ha, thuộc nhóm cao nhất toàn quốc. Giá trị thu nhập trên 1 ha cây ăn quả ước đạt trên 450 triệu đồng.

Ngoài ra, diện tích gieo trồng rau của tỉnh hiện có trên 11 nghìn ha/năm, năng suất đạt 13-15 tấn/ha, sản lượng 14-16 vạn tấn/năm, giá trị thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha/ vụ. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất rau hàng hóa tập trung, có thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng như: vùng sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột, lặc lày... tại các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ huyện Lương Sơn; rau su su huyện Mai Châu, Tân Lạc... Sản xuất rau bước đầu đã hình thành các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; sản xuất rau đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), VietGAP. Toàn tỉnh có 7 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, VietGAP, hữu cơ... với tổng diện tích canh tác gần 67 ha.

Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi trên 9.700 ha đất trồng lúa, trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa cho thu nhập cao như: Trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/ năm, trồng dưa chuột Nhật thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/vụ, quả lặc lày thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ, bí xanh thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ, mía thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Nhìn chị em tất tả trên cánh đồng rau xanh mướt, chị Hà Thị Đàm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Thành An, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) phấn khởi: Từ khi chuyển đổi diện tích cấy lúa sang trồng các loại rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Sản phẩm rau của HTX có tem truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng. HTX Thành An có 10 ha trồng rau an toàn. Chúng tôi luôn chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học chăm sóc, giúp các loại rau có giá trị dinh dưỡng cao. Đồng thời, thực hiện đúng quy trình sử dụng thuốc BVTV để sản phẩm bán ra thị trường không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, các loại rau của HTX đã được tiêu thụ tốt ở thị trường Hà Nội.

Cùng với phát triển trồng trọt, những năm gần đây, ngành chăn nuôi của tỉnh từng bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại tập trung, sử dụng giống năng suất cao. Chuyển mạnh sang nuôi các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường, nhất là thị trường Hà Nội, trong đó, tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê. Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng, kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi. Một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất, thu được kết quả tốt như: cá trắm đen, lăng, tầm, dầm xanh, cá chiên. Hiện, thương hiệu cá, tôm sông Đà đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Đánh giá về lĩnh vực chăn nuôi cũng như định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin: Thực tế hiện nay, nhiều sản phẩm chăn nuôi là đặc sản của Hòa Bình cung cấp không đủ cho thị trường Thủ đô, như lợn bản địa Đà Bắc, gà Lạc Thủy, Lạc Sơn... Như vậy, để thực hiện mục tiêu tỉnh trở thành "sân sau" về lương thực, thực phẩm cho Thủ đô Hà Nội thì cơ cấu ngành chăn nuôi phải được đẩy lên. Thời gian qua, Hòa Bình là một trong những tỉnh đi đầu về xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh đã cung cấp được khoảng 2 triệu tem truy xuất nguồn gốc, tuy vậy, vẫn cần tập trung nhiều hơn cho thị trường, đặc biệt là thu hút được nhà đầu tư, dự án lớn về nông nghiệp, trong đó làm sao có được nhà máy chế biến, mang tính chất dẫn dắt, định hướng thị trường để khai thác thế mạnh, tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phát triển KT-XH với phương châm: xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa. Trong đó, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường. Ông Vũ Tiến Lộc, Trưởng phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận định: Hòa Bình hoàn toàn có tiềm năng, cơ hội để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Bởi, tỉnh có địa chính trị, địa kinh tế gần Thủ đô, thuận lợi kết nối với vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc. Tỉnh còn không gian phát triển lớn về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đặc sản. Vì vậy, Hòa Bình hoàn toàn có thể trở thành "bếp ăn” của Thủ đô, nhất là điểm đến cuối tuần của người dân Hà Nội và các trung tâm kinh tế phía Bắc.


Hoàng Nga


Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục