Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác kiểm tra khu vực quy hoạch cụm công nghiệp Đầm Đuống, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn).
P.V: Thưa đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2020 đã đi qua với nhiều khó khăn, thách thức. Những tháng đầu năm, Hòa Bình là một trong những tỉnh phải chịu mức tăng trưởng kinh tế âm. Tuy nhiên, chúng ta đã tạo được sức bật ở chặng đường cuối năm để đạt nhiều kết quả ấn tượng. Vậy, đồng chí chia sẻ như thế nào về điều này?
Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH:Đúng vậy, có thể nói, từ khi tái lập tỉnh năm 1991, chưa bao giờ Hòa Bình phải đối diện với nhiều trở ngại, thách thức trong phát triển KT - XH như năm 2020. Ngay từ đầu năm, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực. Nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất, kinh doanh (SX-KD) đình trệ, nhất là một số ngành công nghiệp, xuất khẩu, vận tải, du lịch... Trong khi đó, thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường; tình trạng khô hạn diễn ra gay gắt, lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức rất thấp... đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống của người dân.
Trong bối cảnh đó, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành với quyết tâm chính trị cao nhất. UBND tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển KT - XH và phòng, chống dịch bệnh. Kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là thực hiện "mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch bệnh Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SX-KD, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân.
Ngay trong quý I, UBND tỉnh đã triển khai xây dựng kịch bản tăng trưởng từng quý của năm 2020 trên cơ sở đánh giá tác động của dịch bệnh đến phát triển của các ngành, lĩnh vực và những tình huống giả định của dịch bệnh Covid-19; kịch bản phát triển KT - XH những tháng còn lại của năm 2020. Đồng thời, sát sao chỉ đạo tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
UBND tỉnh đặc biệt coi trọng chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 04/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tập trung giải quyết những hạn chế để nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh, kết hợp với tăng cường các biện pháp xúc tiến đầu tư. Triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 41/2020/NĐ-CP, ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn số thuế và tiền thuê đất do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, thường xuyên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất.
Với sự đoàn kết, thống nhất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, KT - XH của tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 ước thực hiện 29.423,07 tỷ đồng, tăng 3,80% so với năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,33%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 4,21%; khu vực dịch vụ tăng 2,55%; thuế sản phẩm tăng 5,59%. Từ chỗ tăng trưởng âm, đến hết năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã vươn lên đạt trên trung bình cả nước, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 9/14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực: Nông, lâm, thủy sản chiếm 22,94%; công nghiệp, xây dựng chiếm 41,52%; dịch vụ 30,4%; thuế sản phẩm 5,13%. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 64,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn 8,56%, giảm 2,8% so với năm 2019.
P.V: Những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Song, với cương vị là người đứng đầu UBND tỉnh, đồng chí có tâm tư, trăn trở trước ngưỡng cửa của năm mới, nhiệm kỳ mới?
Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh và thời tiết cực đoan, song thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Năm 2020, còn 4/21 chỉ tiêu về phát triển KT - XH không đạt so với kế hoạch của UBND tỉnh đề ra là: Tốc độ tăng trưởng; thu ngân sách Nhà nước; số doanh nghiệp, HTX đăng ký thành lập mới; tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Từ thực tế này cho thấy, tăng trưởng kinh tế của tỉnh thiếu bền vững, chất lượng thấp. Cơ cấu nguồn thu ngân sách Nhà nước chưa bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực, ổn định, chủ yếu thu từ Công ty thủy điện Hòa Bình và từ đất.
Môi trường đầu tư kinh doanh, Chỉ số PCI của tỉnh chậm cải thiện. Đâu đó vẫn còn cán bộ, công chức thiếu ý thức, trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thủ tục hành chính có việc còn rườm rà, kéo dài thời gian, dẫn đến lỡ cơ hội của nhà đầu tư...
Hòa Bình được đánh giá có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, phát triển nông nghiệp sạch và các loại hình du lịch, nhưng chúng ta khai thác lợi thế này còn ở mức độ. Trong tỉnh chưa có dự án tầm cỡ để tạo sự bứt phá về kinh tế. Công tác quy hoạch thiếu đồng bộ và tầm chiến lược, chưa đóng vai trò là "chìa khóa" của sự phát triển.
Những năm qua, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa khu vực đô thị và nông thôn. Tại một số địa phương vẫn còn những việc chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân, dẫn đến khiếu kiện phức tạp, đông người... Đây là những vấn đề mà UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh luôn trăn trở và sẽ phải tập trung trí lực giải quyết cho được trong giai đoạn tới.
P.V: Năm 2021 dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng sẽ mở ra cơ hội mới. Vậy, xin đồng chí chia sẻ về những dự định nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh Hòa Bình phát triển xứng tầm?
Đồng chí BÙI VĂN KHÁNH:Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cũng như thực hiện Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm 2021-2025. Với ý nghĩa quan trọng này, mục tiêu chúng ta đề ra là: Tiếp tục tập trung thực hiện "mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển KT - XH trong trạng thái bình thường mới. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT - XH, bảo đảm an sinh xã hội và không ngừng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân...
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhất thiết chúng ta phải chung sức, đồng lòng với niềm tin vững chắc vượt qua mọi trở ngại; phải bám sát thực hiện chủ đề của năm 2021 được Chính phủ thống nhất cao là: "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển".
UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; lập quy hoạch xây dựng các đô thị, thị trấn; quy hoạch sử dụng đất, làm định hướng, cơ sở lâu dài cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đồng bộ, thống nhất KT - XH và kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có lợi thế, có khả năng phát triển để đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; tập trung cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số chất lượng quản trị và dịch vụ hành chính công thông qua tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển.
Tăng cường huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT -XH, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia. Tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá trong phát triển KT - XH như các quốc lộ (đi qua tỉnh), tỉnh lộ có tính đối ngoại, đường đô thị, đường đến các khu, cụm công nghiệp, đường kết nối với khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình...
Bên cạnh đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường. Tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp với mục tiêu đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá để thúc đẩy phát triển KT - XH. Tăng cường triển khai thực hiện lồng ghép phát triển bền vững, mục tiêu tăng trưởng xanh, phòng, chống thiên tai vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hoàng Nga (TH)