Ngay sau Tết Nguyên đán 2021, nhiều doanh nghiệp đã ra quân với nỗ lực và quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch sản xuất năm 2021, đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.


Chúc Tết online và qua loa truyền thanh

Thay vì sẽ diễn ra các hoạt động tân xuân, chào cờ và người lao động được nghỉ nửa ngày trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới theo thông lệ hàng năm, năm nay các công nhân của Tổng công ty May 10 thực hiện chúc Tết qua loa truyền thanh và trực tuyến.  

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, đây là ngày khai xuân rất khác so với nhiều năm qua. "Chúng tôi đặt nhiệm vụ quan trọng nhất là phòng dịch vì nếu như không phòng dịch tốt thì rủi ro rất cao, nhất là đối với ngành may có rất nhiều lao động và trải dài ở nhiều tỉnh”, ông Thân Đức Việt cho hay.


Các doanh nghiệp dệt may ra quân sản xuất đầu năm đảm bảo nghiêm ngặt phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Tổng công ty Cổ phần May 10 đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch ngay từ ngày đi làm đầu tiên của năm mới. Tất cả các công nhân đến nơi làm việc đều đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn và thực hiện giãn cách. Đặc biệt, tất cả các cán bộ, công nhân viên đều phải thực hiện khai báo y tế lịch sử tiếp xúc, lịch sử di chuyển nghiêm ngặt mới được đến nơi làm việc.

"Chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh theo từng giờ, từng phút. Đối với các công nhân thuộc diện F2, F3 đều thực hiện cách ly tại nhà theo quy định. Hiện nay, theo rà soát, Tổng công ty Cổ phần May 10 có 50 ca F2 và F3 đều được cho nghỉ, cách ly tại nhà”, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho hay.

Tương tự, ngay từ ngày 15 – 17/2 (tức mùng 4-6 Tết Nguyên đán 2021), nhiều công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã bắt tay vào sản xuất, đáp ứng tốt các đơn hàng đã ký kết từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ trước Tết Nguyên đán 2021, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã gửi Công văn khẩn đến tất cả các đơn vị thành viên để kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất. Đặc biệt, thực hiện đúng theo khuyến cáo 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế của Bộ Y Tế. 

"Trước và sau Tết, các nhà xưởng đều được phun khử khuẩn, công nhân tại nơi làm việc phải thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang và sát khuẩn. Đối với những công nhân ở vùng dịch phải cách ly theo quy định thì các doanh nghiệp bố trí lao động phù hợp với vị trí việc làm để đảm bảo sản xuất kinh doanh. Ban chỉ đạo phòng dịch của đơn vị cũng cập nhật tình hình dịch bệnh tại các địa phương để có phương án xử lý”, ông Cao Hữu Hiếu cho hay.

Còn tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel), ngày 17/2, các cơ sở sản xuất đã bắt đầu ra quân với khí thế và nỗ lực cao nhất. Ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho hay, tất cả các cơ sở sản xuất đều đảm bảo nghiêm ngặt việc phòng dịch như đo thân nhiệt, giãn cách, đeo khẩu trang… "Chúng tôi có một nhà máy sản xuất tại Chí Linh (Hải Dương) hiện nay đã dừng sản xuất theo chỉ đạo của tỉnh. Đối với những công nhân phải thực hiện cách ly theo quy định thì công ty sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/người để chia sẻ và động viên người lao động thực hiện tốt theo quy định cách ly”, ông Phạm Công Thảo cho biết.

Còn tại Công ty TNHH một thành viên 76 - Z76 (Bộ Quốc Phòng), nhà  máy đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 để triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của công ty thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến về dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp về phòng, chống dịch  COVID-19, thực hiện quy định 5K và phun thuốc khử khuẩn toàn bộ khu vực Nhà máy cả trước, trong và sau kỳ nghỉ tết.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty 76 cho biết: "Công ty cũng  có các kịch bản ứng phó cho công tác phòng dịch như: Dựng lên các các khu điều trị phân loại cách ly nếu có trường hợp cán bộ, công nhân viên là các F; diễn tập các tình huống khi có trường hợp nghi nhiễm COVID-19… Bên cạnh đó, công ty cũng đặt ra các kịch bản kinh doanh khi có tác động của dịch COVID-19 để đảm bảo cho triển khai thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cho năm 2021".

Không chỉ thực hiện các biện pháp phòng dịch, Công ty 76 cũng đã trao tặng vật tư y tế phòng dịch do công ty sản xuất bao gồm: 2,2 triệu khẩu trang phòng dịch, gần 4.000 khẩu trang kháng khuẩn; 2.000 tấm che mặt; và hơn 2.000 bộ quần áo phòng dịch cho các y bác sỹ, bà con nhân dân tại các địa phương như Chí Linh (Hải Dương), Sở y tế Quảng Ninh, Cục gìn giữ hòa bình, Bộ tư lệnh Lăng, UBND huyện Gia Lâm...

Tranh thủ từng giờ để đẩy mạnh sản xuất

Ngay từ đầu năm, bên cạnh thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch COVID-19, các doanh nghiệp tập trung cao độ để thực hiện sản xuất, kinh doanh. Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần May 10 cho biết, các công nhân tại công ty đang tranh thủ từng giờ, từng phút để thực hiện kế hoạch đã đề ra. Theo kế hoạch đề ra từ cuối năm 2020, khi dịch COVID-19 chưa diễn biến tại một số tỉnh thành như hiện nay, Tổng công ty May 10 đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% so với năm 2020 (năm 2020 tăng trưởng 4% so với 2019).

"Ngay ngày đầu tiên đi làm các công nhân đã làm việc kín cả ngày thay vì làm nửa ngày như trước đây. Chúng tôi tận dụng từng giờ, từng phút để làm việc, thay vì mục tiêu theo tháng, theo năm thì giờ chúng tôi đặt mục tiêu theo giờ, ngày, tuần vì tình hình dịch sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp và nhất định vẫn phải đảm bảo giao hàng đúng ngày cho đối tác”, ông Thân Đức Việt cho hay.

Theo các dự báo của thế giới, thị trường dệt may phục hồi cầu về mức 2019 sớm nhất là quý 2/2022, chậm nhất là quý 4/2023. Chính vì vậy, năm 2021 vẫn còn là năm thị trường tiếp tục khó khăn, bất định, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới. 

Xác định rõ các thách thức của năm 2021, ngành Dệt May Việt Nam và Tập đoàn Dệt May Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu năm 2021 là 39 tỷ USD, mục tiêu trung bình là 38 tỷ USD.

Đánh giá tình hình sản xuất năm 2021 sẽ vẫn có nhiều khó khăn, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty 76 cho biết, năm 2021, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng trên 5% so với năm 2020, cụ thể: Giá trị sản xuất đạt trên 1600 tỷ, giá trị doanh thu đạt gần 1.700 tỷ, thu nhập bình quân đạt trên 12,3 triệu đồng/người/tháng. 

Còn Tổng công ty Thép Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021, sản xuất phôi thép hơn 2,5 triệu tấn, tăng khoảng 6,5% so với 2020; thép thành phẩm sản xuất và tiêu thụ đạt hơn 3,9 triệu tấn, giảm nhẹ so với năm 2020. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 260 tỷ đồng, bằng với năm 2020.

Để đạt được mục tiêu trên, Tổng công ty sẽ tập trung phòng dịch và tiếp tục tập trung sản xuất, tiết giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh tiêu thụ, nhằm giữ vững thị phần thép xây dựng, củng cố vị thế của Tổng công ty trên thị trường.

Các chuyên gia cũng dự báo nhu cầu thép trong năm 2021 sẽ tăng từ 3% đến 5% so với năm 2020. Khi đó, vật liệu xây dựng nói chung, thép nói riêng sẽ là ngành được hưởng lợi lớn nhất, trong đó có các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc bắc - nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay quốc tế Long Thành…

Năm 2021, trước các cơ hội từ việc hội nhập, đặc biệt là việc thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. 

Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Nguồn cung dồi dào và giá cả ổn định suốt dịp Tết Nguyên đán

Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán giữ ổn định so với những ngày cận Tết.

Thị trường thực phẩm sau Tết ổn định

(HBĐT) - Từ sáng mùng 2 Tết (ngày 13/2/2021), nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đã mở hàng kinh doanh trở lại. Thị trường thực phẩm sau Tết tương đối ổn định, nguồn hàng dồi dào, đa dạng, giá cả hợp lý. Thậm chí giá bán một số loại rau xanh còn rẻ hơn so với trước Tết Nguyên đán.

Thị trường ổn định, nhiều siêu thị, cửa hàng đã hoạt động trở lại

Theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các chợ dân sinh ngày mùng 5 Tết (ngày 16/2) tiếp tục mở hàng bán; đồng thời, nhiều siêu thị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm sáng mồng 5 Tết của người dân sẽ chưa nhiều, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng rau quả, thực phẩm tươi sống; giá cả hàng hóa dự báo không có biến động.

Huyện Kim Bôi xảy ra cháy 2,5 ha rừng núi đá

(HBĐT) - Vào hồi 20h15’ ngày 11/2 (tức 30 Tết), UBND huyện Kim Bôi nhận được tin báo qua điện thoại của UBND xã Mỵ Hoà về việc có đám cháy rừng núi đá thuộc địa bàn phố Mỵ Thanh.

Kiên quyết không để dịch bệnh lan rộng, bảo đảm không để ai thiếu Tết

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống, chuẩn bị mọi phương án và các biện pháp phù hợp để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phát hiện nhanh, hành động quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian ngắn nhất, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lan rộng.

Phiên chợ Tết đặc biệt giữa mùa Covid

(HBĐT) - Sáng ngày 10/2 (tức ngày 29 Tết), chợ phiên Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Chợ Tết luôn là phiên chợ được bà con xã vùng sâu này chờ đón nhất trong năm, bởi đây là phiên chợ cuối cùng để bà con sắm sửa hàng Tết, cũng là dịp để gặp gỡ, mở đầu cho những chuyến du xuân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục