(HBĐT) - Sáng ngày 10/2 (tức ngày 29 Tết), chợ phiên Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Chợ Tết luôn là phiên chợ được bà con xã vùng sâu này chờ đón nhất trong năm, bởi đây là phiên chợ cuối cùng để bà con sắm sửa hàng Tết, cũng là dịp để gặp gỡ, mở đầu cho những chuyến du xuân.


Lực lượng chức năng đo thân nhiệt cho người dân trước khi vào chợ mua sắm.

Chợ Phú Lương họp vào ngày Chủ nhật mỗi tuần. Thế nhưng, Tết này, để đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của bà con, chợ họp thêm phiên vào sáng ngày thứ Tư – ngày 29 Tết. Sau hai ngày trời trở lạnh, thời tiết mưa mù, hôm nay, trời đã hửng nắng nên tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân xã Quyết Thắng và các xã lân cận đến mua sắm. Phiên chợ Tết vốn rất đặc biệt với bà con nơi đây, phiên chợ Tết năm nay còn đặc biệt hơn, bởi diễn ra trong bối cảnh dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp. Để đảm bảo an toàn cho người dân đến mua sắm Tết, chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ đã tuyên truyền qua loa phát thanh, khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh covid-19.

Từ sáng sớm, khắp các ngả đường, bà con đã đến chợ Phú Lương để mua sắm Tết. Hai ven đường tỉnh lộ 436 trước cổng chợ, các mặt hàng trang trí ngày Tết như cành đào, cây quất, các loại cây cảnh như hoa hồng, hoa đồng tiền được bày bán san sát. Trong chợ,các mặt hàng đa dạng gồm thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, các sạp hàng bán đồ ăn vặt và nhiều hàng hóa phục vụ trong dịp Tết như lá dong, lạt gói bánh. Ở các lối vào chợ đều có lực lượng chức năng kiểm soát, tiến hành đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho người dân trước khi vào chợ để mua sắm. Dạo quanh chợ, có thể thấy, bà con đều chấp hành tốt việc đeo khẩu trang khi đi mua sắm.

"Phiên chợ hôm Chủ nhật vừa rồi, tôi cũng đã vào chợ để mua sắm cho ngày Tết nhưng còn thiếu một vài thứ nên hôm nay tôi vào mua thêm. Đối với người dân ở vùng nông thôn chúng tôi, chợ phiên được mong chờ nhất chính là phiên chợ ngày giáp Tết. Đi chợ không chỉ để mua sắm Tết, mà còn là dịp để gặp gỡ anh em, họ hàng, bạn bè để hỏi thăm nhau, mời nhau đến chơi trong những ngày Tết. Năm nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên phiên chợ không đông bằng mọi năm nhưng vẫn có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu. Mỗi người cần phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh để đón Tết cổ truyền vui vẻ, đầm ấm và an toàn”, ông Bùi Văn Như, một người dân xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) chia sẻ.

Cầm trên tay tờ giấy ghi sẵn những thứ cần sắm cho ngày Tết, sau gần một giờ đồng hồ vào chợ, chị Bùi Thị Thanh, xã Gia Mô (Tân Lạc) đã tay xách, nách mang hai túi đồ Tết nặng trĩu. Trong những thứ chị Thanh mua sắm được, có thuốc lá, thuốc lào, rượu phong tê thấp, nến, hương và một số loại thực phẩm khô như: mộc nhĩ, miến dong, hành, tỏi. Chị Thanh chia sẻ, hầu hết tất cả những thứ cần mua sắm cho ngày Tết đều có thể mua được ở các hàng tạp hóa trong xóm. Thế nhưng, bản thân chị và bà con đều thích đi mua sắm ở phiên chợ Tết vì nó đem lại những cảm xúc đặc biệt, mà chỉ có ở phiên chợ Tết. "Phiên chợ Tết năm nay đặc biệt nhất vì ai cũng đeo khẩu trang nên dù có gặp người quen cũng không kịp nhận ra nhau. Mạc dù hơi bất tiện nhưng chúng tôi nhắc nhở nhàu phải luôn đeo khẩu trang để bảo vệ bản thân mình và mọi người”, chị Thanh chia sẻ.

Phiên chợ Tết nên sức mua tăng cao nhưng giá bán các mặt hàng tại phiên chợ này khá mềm, không bị đẩy giá lên cao. Ngoài những người dân đi chợ Tết, chúng tôi được trò chuyện với những người bán hàng đã "cày” suốt mấy ngày qua ở các chợ phiên trong vùng. Chị Hiên, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) mấy năm nay duy trì chạy chợ bán đồ ăn vặt như: bánh rán, xúc xích, viên chiên. Tết đã cận kề nhưng mấy nay chị vẫn thức khuya và dậy thật sớm để đi bán hàng ở các chợ phiên trên địa bàn huyện Lạc Sơn. Nhà chị Hiên cách chợ Phú Lương gần 20 km nên từ tờ mờ sáng chị đã chạy xe máy vào bán hàng tại chợ. "Phiên chợ Tết thì thường bán hàng được nhiều hàng hơn nên tôi tranh thủ chạy các chợ để kiếm thêm thu nhập trang trải trong ngày Tết”, chị Hiên chia sẻ.

Chợ Tết tan muộn hơn so với những phiên chợ thường ngày. Người chở chậu quất, người xách túi hàng Tết trĩu tay, rồi những đứa trẻ tay cầm bóng bay với ánh mắt rạng rỡ. Những hình ảnh đó đã tô điểm cho chợ phiên ngày 29 Tết, phiên chợ được bà con xã vùng sâu chờ đợi nhất trong năm. Rồi, hình ảnh ai ai cũng đeo khẩu trang cũng sẽ là kỷ niệm đáng nhớ cho phiên chợ đặc biệt trong "mùa covid”.

 

Viết Đào

Các tin khác


Vững vàng vượt qua thử thách, thực hiện khát vọng xây dựng tỉnh Hòa Bình giàu mạnh

(HBĐT) - Năm 2020 là năm đầy khó khăn, thách thức và có nhiều biến động mạnh trên các mặt của đời sống xã hội. Tình trạng khô hạn đầu nguồn sông Đà; đại dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp đã tác động nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Song, bằng niềm tin, sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và sự cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thực hiện khát vọng phát triển, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng. Trước thềm xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh thăm, chúc Tết các đơn vị trực Tết

(HBĐT) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, ngày 8/2, đoàn công tác do đồng chí Bùi Văn Khánh, Phos Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm và chúc Tết các đơn vị trực Tết, gồm: Điện lực thành phố Hòa Bình; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ. Tham dự đoàn có lãnh đạo một số sở, ngành và Văn phòng UBND tỉnh.

Dấu ấn công nghiệp vượt khó

(HBĐT) - Tờ lịch cuối cùng của năm 2020 được bóc, cũng có nghĩa khép lại một năm đầy khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và dịch bệnh, thiên tai bất thường đến các ngành nghề lĩnh vực kinh tế. Trong đó, không thể không nói tới những tác động tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh (SX-KD) của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc trách nhiệm của các sở, ngành chức năng, trên hết là sự năng động, nhanh nhạy để thích ứng với thời cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đã giúp ngành công nghiệp của tỉnh có sự bứt phá, đạt được kết quả rất đáng ghi nhận.

Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Nhiều năm trở lại đây, với sự tập trung phát triển đô thị hóa (ĐTH) và đạt được những kết quả đáng khích lệ, đã tạo động lực thúc đẩy KT-XH của tỉnh ngày càng phát triển.

Thành phố "thay áo mới”

(HBĐT) - Xuân đã về! Dòng Đà Giang vẫn êm đềm uốn lượn tựa dải lụa qua thành phố Hòa Bình mến yêu. Vậy mà ta như lạ, như quen giữa thành phố bên sông Đà. Hòa vào dòng người tấp nập đi siêu thị, trung tâm thương mại, đi chợ sắm Tết, ngắm phố phường thênh thang với những con đường lớn bên những công trình mới sừng sững mà lòng lâng lâng, ngỡ như thực, như mơ.

Trên những cung đường mùa xuân

(HBĐT) - 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, dẫu vẫn còn những khó khăn, song không thể không khẳng định, tỉnh ta đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển KT - XH, bởi những quyết sách mang tính chiến lược trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Trong những gam màu tươi sáng, phải nói tới sự đột phá trong việc ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, kết nối, giúp mở rộng cánh cửa đón nhận làn sóng đầu tư mới vào tỉnh, cũng như đưa Hòa Bình đến gần hơn với bạn bè trong nước, quốc tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục