Các mặt hàng rau, củ được người dân lựa chọn sử dụng nhiều sau Tết.
Theo khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn TP. Hòa Bình vào sáng mùng 4 Tết, giá bán các loại rau xanh tương đương hoặc giảm nhẹ so với thời điểm trước Tết. Chị Bùi Thị Nhung, xã Vĩnh Đồng dạy từ 4 giờ sáng để mang rau ra chợ Nghĩa Phương, TP Hòa Bình bán. Chị Bùi Thị Nhung chia sẻ: Sau Tết, giá bán các loại rau như su hào, bắp cải, súp lơ còn rẻ hơn cả thời điểm trước Tết. Nguyên nhân chính là do trước Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương lái ở các địa phương khác không tới thu mua rau.Nông dân phải tự mang đi bán tại các chợ dân sinh tại TP. Hòa Bình nhưng cũng chưa tiêu thụ hết được. Vì vậy, từ sáng mùng 2 Tết chúng tôi đã mang rau ra các chợ ở TP. Hòa Bình bán nhằm giải phóng đất để kịp thời gian gieo cấy vụ xuân trước rằm tháng giêng.
Giá bán các loại rau xanh cụ thể như: Su hào có giá khoảng 4.000 đồng/củ, bắp cải 5.000-7.000 đồng/cây, cải cúc 5.000 đồng/mớ, mồng tơi 5.000-7.000 đồng/mớ, rau muống 5.000 đồng/mớ. Giá các loại nấm khoảng 100.000 đồng/kg. Măng tươi 30.000-35.000 đồng/kg. Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thủy sản cũng tương đương hoặc cao hơn so với trước Tết khoảng 10%. Gà ta ngon từ 120.000-140.000 đồng/kg, thịt lợn 140.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò thăn giá 300.000 đồng/kg, các loại cá từ 80.000-90.000 đồng/kg. Theo chia sẻ của các tiểu thương, năm nay, thị trường thực phẩm tươi sống sau Tết nguyên đán giá bán ổn định, người dân đi mua ít hơn so với mọi năm. Ngày mùng 2 Tết thị trường tương đối sôi động sau đó từ mùng 4 trở đi sức mua giảm hơn. Theo các tiểu thương giá sẽ tiếp tục giảm đến Rằm tháng Giêng.
Chị Trần Thị Sơn, Phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình phấn khởi: Thông thường sau Tết Nguyên đán, giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ, cá tăng hơn so với trước Tết, nhưng năm nay, các mặt hàng thực phẩm tươi sống được bày bán đa dạng ngay từ sáng mùng 2 Tết, giá bán ổn định, rau xanh rẻ hơn trước Tết. Người tiêu dùng không phải ăn rau đắt như ăn thịt như các năm trước.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng nên chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến. Từ mùng 2 Tết, các chợ dân sinh đã hoạt động trở lại, một số cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở cửa. Người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống. Giá các mặt hàng ổn định là tín hiệu vui trong việc bình ổn thị trường.
Cùng với việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để khan hàng sốt giá, công tác kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường cũng được các lực lượng chức năng chú trọng. Sở Công Thương phối hợp với các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa để điều tiết thị trường. Lực lượng Quản lý thị trường bố trí lực lượng trực 24/24 chủ động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng.