Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương về tình hình phát triển CN - TTCN và thương mại trên địa bàn tỉnh. Ảnh: P.V
P.V: Thưa đồng chí, kỷ niệm 70 năm thành lập là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Công Thương cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của ngành đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh?
Đồng chí Phạm Tiến Dũng: Ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc Lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. Để ghi nhận những đóng góp của ngành trong chặng đường xây dựng và phát triển, ngày 20/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14/5 hàng năm là "Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng sự ra đời, phát triển của ngành Công Thương Việt Nam, ngành Công Thương Hòa Bình đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Hòa Bình vừa dũng cảm chiến đấu vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chiến lược là: xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH ở miền Bắc và chi viện cho chiến trường miền Nam. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ như: Xưởng cơ khí 3-2, Xưởng gạch ngói Quỳnh Lâm, Xưởng xẻ và đóng đồ gỗ Hoóc Môn… đã sản xuất ngày đêm phục vụ Nhân dân và chiến trường. Các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, HTX mua bán, các kho dự trữ hàng hoá ở Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn đã phục vụ đầy đủ gạo, vải, ''hạt muối Cụ Hồ'' cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, ngành Công Thương Hòa Bình tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của mình trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh CNH-HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, từ chỗ chỉ có một số cơ sở sản xuất nhỏ, lao động thủ công, đến nay, công nghiệp Hòa Bình đã phát triển khá toàn diện trên địa bàn các huyện, thành phố. Đã hình thành các ngành sản xuất có quy mô, sức cạnh tranh, như: Khai thác, chế biến khoáng sản, công nghiệp chế biến nông, lâm sản và vật liệu xây dựng, công nghiệp điện nước… Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp từng bước được đầu tư đồng bộ, thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Lĩnh vực thương mại có tốc độ phát triển nhanh, từ một nền thương nghiệp tập trung bao cấp, đến nay, hoạt động thương mại có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, các hình thức phân phối phát triển đa dạng, trong đó các hình thức phân phối hàng hóa hiện đại như: Siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn... ngày một phát triển song song với phân phối truyền thống (chợ) đã mang lại diện mạo mới, cũng như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân...
Ghi nhận những đóng góp của ngành Công Thương Hòa Bình trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có 3 Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; nhiều đơn vị được tặng cờ thi đua xuất sắc, bằng khen của UBND tỉnh, Bộ Công Thương,Chính phủ; hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp.
P.V: Xin đồng chí chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành Công Thương thời gian qua?
Đồng chí Phạm Tiến Dũng: Trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Công Thương Hòa Bình luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Từ những ngày đầu thành lập trong điều kiện của tỉnh miền núi với nền kinh tế thấp kém, cơ sở vật chất phục vụ công tác nghèo nàn, lạc hậu, đội ngũ cán bộ vừa thiếu vừa hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Đến nay, tổ chức bộ máy của ngành đã được hình thành từ tỉnh đến các huyện, thành phố, đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ sở vật chất được đầu tư, trang bị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công tác quản lý Nhà nước về công thương trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Sở Công Thương đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển. Toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch 1.506,43 ha. Các KCN có 101 dự án đầu tư, nhiều dự án đi vào hoạt động giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Đến nay có 15/20 cụm công nghiệp (CCN) đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích 626,4 ha. Tổng số vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN được phê duyệt là 4.100 tỷ đồng. Có 5 CCN đi vào hoạt động, diện tích 146,71 ha, với 13 dự án đã đi vào sản xuất, giải quyết việc làm cho trên 700 lao động...
Trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 10,17%/năm; giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16,4%/năm. Kim ngạch xuất nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến cuối năm 2020 gấp 3,5 lần so với năm 2015, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Thương mại nội tỉnh luôn giữ vững đà tăng trưởng ổn định. Tốc độ tăng của tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt 19,3%.
Đạt được những kết quả trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, quan tâm định hướng, giúp đỡ của Bộ Công Thương, các bộ, ngành T.Ư, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, cộng đồng doanh nghiệp... Trong đó, ngành Công Thương luôn chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ, chú trọng xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, kỷ cương, kỷ luật. Chú trọng trong công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận các dịch vụ, hướng tới một nền hành chính công hiện đại, chuyên nghiệp.
P.V: Ðể thực hiện thắng lợi mục tiêu NQĐH Ðảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra cho lĩnh vực công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, ngành đã đề ra những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp như thế nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Tiến Dũng: Phát huy thành tích đạt được, khắc phục khó khăn, nắm bắt thời cơ và vận hội mới của đất nước với phương châm: Mở rộng hợp tác, hội nhập và phát triển, ngành Công Thương quyết tâm thực hiện thắng lợi NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trên cơ sở bám sát các định hướng lớn về phát triển CN-TTCN, thương mại, dịch vụ, đó là: "Phát triển công nghiệp thực sự trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả; phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất công nghiệp đạt 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh”...
Ngành Công Thương sẽ triển khai có hiệu quả quy hoạch phát triển CN-TTCN của tỉnh đã được phê duyệt, tập trung phát triển CN-TTCN theo hướng hiện đại. Chủ động xây dựng chương trình, định hướng, chiến lược phát triển các ngành phù hợp với lợi thế cạnh tranh của tỉnh, trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quan tâm phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện sản xuất sạch hơn. Thu hút đầu tư mạnh vào các dự án công nghiệp lớn nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm trên địa bàn. Chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp hỗ trợ. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp (K-CCN); nâng dần tỷ lệ lấp đầy các K-CCN, đặc biệt trong vùng động lực của tỉnh. Tiếp tục phát triển hệ thống lưới điện theo quy hoạch, đảm bảo đủ điện cho sản xuất, tổ chức đầu tư phát triển lưới điện đến các K-CCN, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động số 34-CTr/TU, ngày 28/7/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường quản lý chặt chẽ việc khai thác, xuất khẩu khoáng sản nhằm sử dụng có hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Tập trung đào tạo, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống gắn với các điểm du lịch và sản xuất hàng xuất khẩu...
Nhân dịp này, Sở Công Thương trân trọng gửi lời cảm ơn đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ; các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố; các đồng chí lãnh đạo của ngành qua các thời kỳ... đã quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ, động viên, góp ý để ngành Công Thương Hòa Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Hồng Trung (Thực hiện)
(HBĐT) - 7. DNTN có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh