Nhiều hành khách lo ngại đề xuất bỏ giá trần với vé máy bay của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) sẽ khiến tình trạng giá vé tăng cao vào những dịp cao điểm như lễ, Tết... Tuy nhiên, theo ý kiến của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không hiện có tính cạnh tranh rất cao. Đã đến lúc để thị trường tự điều tiết, Nhà nước chỉ hậu kiểm.
Việc bỏ giá trần, các hãng sẽ chủ động cân đối chi phí để áp dụng dịch vụ phù hợp. Ảnh: VGP/Phan Trang
Có đầy đủ quy định để giám sát
Với lo ngại của hành khách về việc các hãng hàng không "bắt tay" nhau đẩy giá sẽ khiến hành khách chịu thiệt, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines (VNA) khẳng định, Điều 12, Khoản 1 của Luật Cạnh tranh quy định cấm thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Do đó, nếu các hãng hàng không "bắt tay” thống nhất về giá là vi phạm pháp luật.
"Việc các hãng ‘bắt tay’ nhau để đồng loạt tăng giá là khó xảy ra trước bối cảnh cạnh tranh ở thị trường nội địa hiện nay, khi các hãng đều cố gắng cải thiện cả về chất lượng dịch vụ và giá để giành thị phần”, đại diện Vietnam Airlines khẳng định.
Thêm vào đó, VNA cho rằng, việc bỏ giá trần, các hãng sẽ chủ động cân đối chi phí để áp dụng dịch vụ phù hợp với mô hình mà hãng theo đuổi. Ví dụ như, hàng không truyền thống hướng với dịch vụ chất lượng 4-5 sao đi kèm giá cao thì hàng không tiết kiệm sẽ tập trung vào mức giá thấp.
"Người tiêu dùng rất thông thái, họ lựa chọn sản phẩm dịch vụ có giá bán tương xứng với chất lượng. Nếu sản phẩm dịch vụ chúng tôi đưa ra có chất lượng tốt, giá bán cao ở mức hợp lý sẽ được khách hàng chấp nhận. Chiều ngược lại, sản phẩm có chất lượng không tốt mà đưa ra giá bán cao sẽ bị các "thượng đế” phản đối, không bán được vé tự hãng bay sẽ bị đào thải”, đại diện VNA cho hay.
Cùng quan điểm đặt "cây roi” vào tay khách hàng, ông Vũ Đức Biên, Tổng Giám đốc Vietravel Airlines cho rằng, khó xảy ra việc "bắt tay đẩy giá” vì các hãng hàng không tồn tại được đều dựa trên sự tôn trọng khách hàng và bản thân hành khách cũng biết rõ mức giá nào là phù hợp.
"Ví dụ, vé của Vietnam Airlines có nhiều dịch vụ đi kèm thì chắc chắn giá phải cao hơn vé máy bay Vietjet. Nếu bắt tay để đẩy giá lên mà dịch vụ không tương xứng, chắc chắn khách hàng sẽ tẩy chay, lúc đó doanh nghiệp mất rất nhiều”, ông Biên chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Biên cũng cho rằng, tại thời điểm dịch COVID-19 hiện nay việc bỏ quy định giá trần chưa phù hợp bởi các hãng hàng không đều đang khó khăn. Do đó, với việc bỏ giá trần hay áp giá sàn, đại diện Vietravel Airlines kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT cần đánh giá kỹ lưỡng, chú trọng tới ý kiến của các hãng hàng không, người tiêu dùng và các cơ quan quản lý liên quan để bảo đảm quyền lợi của tất cả các bên.
Việc bỏ giá trần vé máy bay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để bảo đảm tính cạnh tranh và quyền lợi của người sử dụng. Ảnh: VGP/Phan Trang
Bỏ giá trần, nâng cao dịch vụ
Đề xuất sửa đổi Điều 116 về giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa được Cục Hàng không Việt Nam nêu tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Theo đó, trong trường hợp đường bay có dưới 3 hãng hàng không tham gia khai thác, hãng hàng không sẽ quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông, cơ bản không vượt mức tối đa do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT.
Với đường bay có từ 3 hãng hàng không tham gia khai thác trở lên, hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Điều này đồng nghĩa với việc trần giá vé máy bay được gỡ bỏ.
Giải thích về đề xuất này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, các hãng hàng không luôn xây dựng dải giá linh hoạt với nhiều mức giá, tương ứng với các điều kiện, thời điểm mua khác nhau. Doanh thu, chi phí sẽ được tính tổng chung theo chuyến bay, đường bay hoặc có thể theo mùa vụ. Thông thường, dải giá được các hãng xây dựng có khoảng từ 10-15 mức giá. Trong đó có những mức giá thấp, có nhiều loại vé cho, tặng (0 đồng chưa bao gồm thuế và các khoản thu hộ) theo từng đợt khuyến mại, giảm giá của hãng.
"Trong bối cảnh hiện nay, với sự tham gia ngày càng nhiều các hãng hàng không, thị trường vận chuyển nội địa có tính cạnh tranh rất cao. Việc áp dụng giá trần sẽ hạn chế việc nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ đối tượng khách sẵn sàng chi trả cao hơn mức giá trần, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ - yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của các hãng hàng không”, đại diện Cục Hàng không Việt Nam lý giải.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Cục Hàng không Việt Nam đề xuất việc bỏ giá trần vé máy bay, trước đó, thời điểm tháng 6/2016, trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc bỏ giá trần vé máy bay đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng để bảo đảm tính cạnh tranh và quyền lợi của người sử dụng.
Vị này cho rằng, Nhà nước quy định giá trần vé máy bay là để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp hàng không, bảo đảm giá vé máy bay có sự kiểm soát. Tuy nhiên hiện tại, hàng không đã có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các hãng hàng không nội địa và các hãng hàng không quốc tế, nên đã đến lúc để thị trường tự điều tiết, Nhà nước chỉ hậu kiểm.
Theo Báo Chính phủ
(HBĐT) - Từ năm 2010 trở lại đây, mô hình trồng dưa hấu được hội viên cựu chiến binh (CCB) xã Mai Hạ (Mai Châu) phát triển mạnh, nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi diện tích sang trồng dưa hấu. Lợi nhuận từ trồng dưa hấu cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa. Hiện nay, trồng dưa hấu được xác định là mô hình kinh tế mùa vụ hiệu quả, giúp cán bộ, hội viên CCB nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.
Thị trường bất động sản qua đỉnh, dần lộ diện những nơi lao dốc mạnh nhất; 100 triệu đồng lướt cọc buôn đất chốt lãi sau một đêm... là những thông tin nổi bật tuần qua.
(HBĐT) - Với xuất phát điểm thấp nên sau nhiều năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện vùng cao Đà Bắc vẫn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Đà Bắc đã thực hiện nhiều giải pháp, nỗ lực để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.
(HBĐT) - Sáng 14/5, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh, cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
(HBĐT) - Ngày 14/5, UBND huyện Lạc Thủy tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất vụ đông xuân, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa - hè thu và vụ đông năm 2021. Hội nghị được tổ chức ngắn gọn, đảm bảo các điều kiện phòng, chống Covid-19.
(HBĐT) - Agribank chi nhánh Hoà Bình vừa ban hành Văn bản số 64/NHNo.HB-KTNQ, ngày 10/5/2021 về việc thu phí dịch vụ các khách hàng có tài khoản tại Agribank bị phong tòa trụ sở làm việc.