Mô hình nuôi thỏ của đoàn viên Quách Thị Hường, chi đoàn xóm Bận Dọi, xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Xã Nhân Mỹ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã: Do Nhân, Tuân Lộ và Quy Mỹ. Sau sáp nhập, đoàn xã có trên 900 ĐVTN, sinh hoạt tại 15 chi đoàn. Là địa bàn còn khó khăn nên những năm qua, để nâng cao thu nhập, nhiều ĐVTN trên địa bàn đi làm xa tại các khu công nghiệp, nhưng cũng có nhiều ĐVTN mạnh dạn ở lại quê hương, tìm cho mình hướng phát triển kinh tế để lập thân, lập nghiệp. Như mô hình nuôi thỏ của anh Bùi Hồng Quân, chi đoàn thanh niên xóm Bận Dọi đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm. Cũng đã nhiều năm đi làm xa, nhưng anh Quân luôn mong muốn phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định ở trên mảnh đất quê hương. Năm 2017, anh mạnh dạn đầu tư nuôi thỏ, một hướng đi mới mẻ ở xã lúc bấy giờ. Đến nay, nhờ nắm vững kỹ thuật, anh đã có được những thành công ban đầu với mô hình nuôi thỏ. Hiện, mô hình được nhiều ĐVTN trên địa bàn học hỏi, nhân rộng.
Đồng chí Bùi Văn Lê, Bí thư Đoàn xã Nhân Mỹ cho biết: Những năm qua, ĐVTN trên địa bàn xã tích cực tham gia các lớp chuyển giao KHKT do các cấp, ngành tổ chức để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh của gia đình. Với sự nhanh nhạy, chịu khó đã xuất hiện những gương ĐVTN tiêu biểu về phát triển kinh tế, từng bước đưa gia đình thoát nghèo. Như đồng chí Bùi Minh Ánh, chi đoàn xóm Bận Dọi với mô hình trồng bưởi đỏ, bước đầu đem lại thu nhập ổn định cho gia đình; các mô hình về chăn nuôi lợn sinh sản, nuôi cá lồng, trồng cây lấy hạt, nuôi ong lấy mật và kinh doanh với các ĐVTN tiêu biểu như: Bùi Văn Sơn - chi đoàn xóm Mương II, Bùi Văn Lượng - chi đoàn xóm Dạ, Bùi Văn Lương và Bùi Văn Dũng - chi đoàn xóm Trăng.
Để hỗ trợ, đồng hành cùng ĐVTN trong phát triển kinh tế, hàng năm, Đoàn xã đẩy mạnh hoạt động tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu, tổ chức cho ĐVTN tham gia các phiên giao dịch việc làm. Năm 2020, có trên 80 ĐVTN được tư vấn về nghề nghiệp, việc làm. Cùng với đó, Đoàn xã chủ động rà soát, nắm bắt nhu cầu về vay vốn, tạo điều kiện để ĐVTN được tiếp cận với vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ tiết kiệm và vay vốn được ủy thác quản lý, đảm bảo 100% hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có phương án sản xuất đạt hiệu quả cao trong sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập. Đến nay, Đoàn xã quản lý 12 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 14 tỷ đồng.
Mặc dù nhiều ĐVTN có mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhưng theo chia sẻ của đồng chí Bùi Văn Lê, Bí thư Đoàn xã, ĐVTN đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Do đó, trong thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục phối hợp các cấp, ngành, Đoàn cấp trên để tìm nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đồng thời, chú trọng phối hợp ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật với nội dung sát thực cho ĐVTN; tổ chức thăm quan, học tập kinh nghiệm từ những mô hình kinh tế tiêu biểu.
Viết Đào