(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế về sản xuất nông, lâm sản và thủy sản. Thị trường tiêu thụ nông sản khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng phía Bắc. Tỉnh đã xác định được 9 nhóm sản phẩm chủ lực, từ đó tập trung nguồn lực để phát triển, đến nay đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, tạo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Hợp tác xã 3T nông sản Cao Phong (Cao Phong) chế biến nhiều sảm phẩm từ cam quả tạo uy tín, thương hiệu.
Trên địa bàn tỉnh có trên 1.000 cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình. Tuy nhiên, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ, cơ sở hạ tầng yếu kém, sản lượng chưa nhiều, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Bên cạnh đó, có gần 500 cơ sở chế biến nông sản, nhưng cũng chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, đã có một số nhà máy do doanh nghiệp đầu tư ở quy mô vừa, nhưng công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, ngoài ra, nguyên liệu từ nguồn sản xuất trong tỉnh phục vụ nhà máy không đủ, chỉ đáp ứng từ 20 - 60% công suất thiết kế, thậm chí có nhà máy nhập 100% nguyên liệu từ tỉnh ngoài.
Về tiêu thụ nông sản, tuy đã có một số doanh nghiệp thực hiện liên kết với các HTX để thực hiện theo chuỗi khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ, nhưng còn thấp so với tiềm năng, lợi thế. Sản phẩm nông sản hiện đã vào được một số siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối… nhưng sản lượng chưa nhiều. Một số nông sản được các doanh nghiệp, HTX xuất khẩu như: chuối, thanh long, mía tím, nhãn, chè khô, măng, tinh bột sắn, gỗ… vào các thị trường Trung Quốc, Kazakhstan, Trung Đông… nhưng sản lượng ít.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định lấy nông nghiệp là nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế nhằm thực hiện thành công tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, do đó, cần thiết phải triển khai các giải pháp tăng cường sơ chế, chế biến, bảo quản, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản của tỉnh, tạo sức bật cho nông nghiệp đi lên. Tỉnh chủ trương phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu theo quy mô công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cải tạo và nâng cấp các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản theo hướng hiện đại, tạo ra sản phẩm có giá trị, sức cạnh tranh cao, phù hợp với vùng nguyên liệu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững.
Thực hiện công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thị trường Thủ đô, vùng giáp Thủ đô và xuất khẩu. Huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế tham gia sản xuất - chế biến - xúc tiến tiêu thụ nông sản. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp cho 20% số cơ sở sơ chế, bảo quản là doanh nghiệp, HTX hiện sản xuất theo quy mô công nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có ít nhất 10 cơ sở đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu. Cải tạo, nâng cấp 9 nhà máy chế biến nông, lâm sản quy mô vừa lên quy mô hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu…. Phấn đấu đạt 150 cơ sở nông, thủy sản được xây dựng thành vùng sản xuất, chế biến nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Gacp-Who, tiêu chuẩn hữu cơ….; 9 nhà máy chế biến theo quy trình sản xuất tốt theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, BRC, IFS…
Theo đó, tập trung phát triển công nghiệp sơ chế, chế biến và bảo quản theo hướng hiện đại. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu để phục vụ công nghiệp sơ chế, chế biến, bảo quản theo nhóm nông sản chủ lực và tiềm năng lợi thế của tỉnh, gồm các nhóm cây công nghệ (chè, sắn, đậu, lạc, mía), cây có múi (cam, bưởi), cây ăn quả (dứa, chanh leo, chuối), cây dược liệu (xạ đen, cà gai leo, sacha inchi), rau, quả các loại, chăn nuôi, thủy sản, lâm sản… Thu hút đầu tư vào các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm nâng cấp, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, tính cạnh tranh cao, phù hợp nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chú trọng xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; tăng cường phát triển, mở rộng thị trường trong nước, thiết lập các kênh phân phối thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm, khai thác, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho người sản xuất.
V.H