(HBĐT) - Xã Đồng Tân (Mai Châu) có 1.358 ha rừng, trong đó có 676 ha rừng đặc dụng với thảm động, thực vật phong phú, nhiều nguồn gen quý hiếm, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn thiên nhiên, điều hòa hệ sinh thái. Những năm qua, xã chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng (BVR), ngăn chặn các hành vi chặt phá, xâm hại tài nguyên rừng trái phép, phòng, chống cháy rừng (PCCR).
Tổ bảo vệ rừng xóm Bâng, xã Đồng Tân (Mai Châu) tuần tra, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng trái phép.
Đồng chí Hà Đức Chung, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Đẩy mạnh công tác BVR trên địa bàn, thời gian qua, xã cùng lực lượng Kiểm lâm huyện thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện hành vi xâm hại, chặt phá rừng trái phép; hướng dẫn, triển khai các biện pháp PCCR. Tiếp tục công tác tuyên truyền, triển khai tại các xóm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao nhận thức của bà con về lợi ích từ BVR với đời sống”.
Hiện, 8/8 xóm đều thành lập tổ BVR, mỗi tổ từ 4 - 5 thành viên cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn tuần tra 1 - 2 lần/tháng. Các thôn, xóm, xã phối hợp các ban, ngành tuyên truyền, nhắc nhở tại các cuộc họp xóm về BVR, PCCR, treo băng rôn, khẩu hiệu, đưa vào hương ước khu dân cư. Vào thời điểm nắng nóng, mưa lũ, các tổ và cán bộ kiểm lâm địa bàn tổ chức trực 24/24h nhằm kịp thời nắm tình hình.
Xóm Bâng, Phiêng Sa có diện tích che phủ trên 70%, diện tích rừng đặc dụng lớn. Nhờ phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, các ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều năm qua địa bàn không có vụ chặt phá, xâm hại rừng. Sau mỗi mùa vụ, bà con được hướng dẫn đốt nương đúng cách, dọn thực bì, không để cháy lớn, cháy lan vào diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Trong năm 2020, xã trồng mới 6 ha, nâng độ che phủ toàn xã lên 65%.
Ông Lò Văn Hòa, Trưởng xóm Bâng cho biết: "Thông qua các cuộc họp xóm, loa truyền thanh, áp phích dán tại khu dân cư, người dân dần nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng của BVR đối với đời sống, phát triển KT-XH, đảm bảo ANTT, không còn tình trạng chặt cây lấy gỗ làm nhà như nhiều năm về trước. Đồng thời, theo dõi tình hình thời tiết, chủ động cập nhật thông tin, nhận sự chỉ đạo kịp thời từ chính quyền xã. Nhiều năm nay, khu rừng tại địa bàn được bảo tồn”.
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong công tác BVR, xã phối hợp lực lượng chức năng tổ chức ký cam kết tại các khu dân cư, nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân về BVR. Tổ chức tuần tra thường xuyên, kịp thời nhận tin báo, nâng dần tần suất vào các tháng cao điểm trong năm. Duy trì phối hợp thông tin với lực lượng Kiểm lâm, đội BVR địa bàn các xã lân cận. Nhiều năm qua, không có vụ cháy, xâm hại, chặt phá rừng trái phép.
Bảo vệ, phát triển rừng là điều quan trọng, giúp người dân sống nhờ rừng, làm giàu từ rừng, xã vận động người dân tích cực tham gia trồng rừng, phát triển lâm nghiệp, bảo vệ cảnh quan môi trường, sinh thái. Hiện, toàn xã trồng 682 ha cây lâm nghiệp, gồm: Bương, luồng, keo, lát… Toàn xã có 3 xưởng làm đũa, 1 xưởng làm giấy với nguyên liệu từ cây bương, luồng và cây nguyên liệu khác tại địa bàn, giải quyết việc làm cho trên 50 lao động, thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Hoàng Anh
Sau nhiều tháng giữ ổn định, một số ngân hàng cũng đã tăng nhẹ lãi suất huy động tiền đồng trong khu vực dân cư thời gian gần đây.
(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT), những năm qua, tại tỉnh ta, thành phần KTTT được củng cố, xây dựng, phát triển. Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) phát triển cả về số lượng, quy mô. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng nâng cao, góp phần tạo thu nhập ổn định cho thành viên và người lao động. Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa cao. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu.
(HBĐT) - Huyện Lương Sơn có lợi thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, trở thành cầu nối giữa đồng bằng sông Hồng với vùng Tây Bắc và là đô thị vệ tinh quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội. Cùng với đó, huyện có hệ thống giao thông thuận lợi với những tuyến huyết mạch chạy qua như: Quốc lộ 6, đường Hồ Chí Minh và gần với đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình; nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản khá phong phú... Những tiềm năng, lợi thế này là yếu tố quan trọng để huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển KT-XH nói chung, công nghiệp nói riêng.
(HBĐT) - Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước, trong tỉnh diễn biến phức tạp, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội, có nơi phải phong tỏa. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản, tác động trực tiếp đến đời sống, thu nhập của nông dân.
(HBĐT) - Trong thời gian qua, do tình hình dịch Covid-19 trong nước cũng như tại tỉnh ta diễn biến hết sức phức tạp. Một số tỉnh, thành phố giáp ranh như Hà Nội, Hà Nam, đặc biệt là 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh có số ca mắc cao nhất cả nước, ảnh hưởng đến đời sống xã hội nói chung, nhất là khu vực nông thôn.