Sau khi sáp nhập vào TP Hòa Bình, trụ sở HĐND, UBND huyện Kỳ Sơn cũ đang được xây dựng phương án xử lý phù hợp.
Xác định rõ điều này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố khẩn trương thực hiện rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc đảm bảo công khai, dân chủ, nhất là phương án xử lý đối với trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa thôn bản dôi dư, không còn nhu cầu sử dụng sau khi sắp xếp lại theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Quan điểm chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của tỉnh là: Thực hiện sắp xếp trụ sở làm việc đảm bảo các nguyên tắc theo tiêu chuẩn, định mức, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở nhằm đảm bảo hoạt động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; ưu tiên trụ sở có diện tích rộng, vị trí trung tâm, giao thông thuận tiện để tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch, có điều kiện phát triển trong tương lai. Đối với các trụ sở dôi dư, không có nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện, thành phố, Ban chỉ đạo (BCĐ) sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của tỉnh (BCĐ 167) có trách nhiệm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án xử lý cụ thể đối với từng công trình, trụ sở. Mục tiêu là tài sản sau khi sáp nhập được trông coi, bảo vệ, quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích; xử lý đúng quy định.
Theo số liệu từ Sở Tài chính, toàn tỉnh có 106 xã, phường, thị trấn trong danh sách sáp nhập; sau khi sáp nhập còn 47 xã, phường, thị trấn (trong tổng số 106). Do đặc thù là tỉnh miền núi, một số xã trong vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện; mặt khác, do địa giới hành chính giữa các xã sáp nhập cách xa nhau nên trước mắt, phần lớn trụ sở sau sáp nhập ở các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Kim Bôi đề nghị tiếp tục giữ lại sử dụng toàn bộ cơ sở nhà, đất trụ sở UBND xã. Vì vậy, các huyện này không có nhà đất dôi dư sau sáp nhập.
Trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Huệ, phụ trách Phòng Quản lý giá và Công sản (Sở Tài chính) được biết, qua rà soát, thống kê, hiện, toàn tỉnh có 37 cơ sở nhà đất là trụ sở UBND xã, phường, thị trấn, phòng, ban dôi dư sau sáp nhập đề xuất phương án xử lý. Trong đó: 29 cơ sở nhà đất đã được các đơn vị đề xuất phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ); 8 cơ sở nhà đất đề xuất phương án điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu sử dụng. Cụ thể, đối với 29 cơ sở nhà đất, có 10 cơ sở nhà đất là trụ sở UBND xã, phường, thị trấn sau khi sáp nhập đang tổng hợp báo cáo BCĐ 167 tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt phương án sắp xếp. 19 cơ sở nhà đất đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSDĐ. Hiện, các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch SDĐ, chuyển mục đích SDĐ, trình UBND tỉnh quyết định bán tài sản theo quy định.
Đối với phương án điều chuyển 8 cơ sở nhà đất, hiện có 1 cơ sở đang tổng hợp trình cơ quan quản lý cấp trên báo cáo BCĐ 167 của tỉnh lập phương án trình UBND tỉnh phê duyệt phương án điều chuyển cho cơ quan, đơn vị có nhu cầu. 7 cơ sở nhà đất còn lại đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án xử lý, hiện đang làm các trình tự thủ tục điều chuyển tài sản theo quy định tại Nghị định số 151/2017/ NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.
Thời gian qua, việc quản lý, sử dụng, xử lý trụ sở làm việc sau sáp nhập đã được tỉnh quyết liệt chỉ đạo thực hiện. Song, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, việc thực hiện bán TSC trên đất, chuyển nhượng QSDĐ theo hình thức đấu giá phải qua nhiều trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật nên thời gian thực hiện kéo dài, khiến cho tiến độ triển khai còn chậm. Ngoài ra, việc quản lý, trông coi trụ sở dôi dư, không có nhu cầu sử dụng ở một số đơn vị cấp xã, phường chưa thực sự tốt, dẫn đến tài sản xuống cấp, khuôn viên bừa bộn, mất vệ sinh. Cá biệt có những trụ sở do không có người ở, trông hoang tàn gây bức xúc trong dư luận xã hội và có ý kiến trái chiều.
Từ nhiệm vụ đề ra và thực tế việc quản lý, xử lý TSC trên địa bàn tỉnh, vừa qua, tại buổi làm việc với ngành Tài chính, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và ngành Tài chính cần triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó có việc rà soát lại tài sản Nhà nước không còn nhu cầu sử dụng, tài sản quỹ đất do huyện, xã quản lý (bao gồm cả tài sản, quỹ đất do giải thể, sáp nhập, chuyển địa điểm, sắp xếp lại trụ sở làm việc)... để thu hồi tạo quỹ đất sạch đấu giá thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, tạo nguồn thu cho NSNN, không để lãng phí đất, đặt ra lộ trình cụ thể để bán đấu giá, tạo nguồn thu cho NSNN.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 21/5/2021, Sở Tài chính ban hành Công văn số 1099/STC-QLG&CS gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố về Hướng dẫn việc bán TSC trên đất, chuyển nhượng QSDĐ theo hình thức đấu giá đối với tài sản là nhà, đất, công trình và các tài sản khác gắn liền với cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp lại theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP. Ngoài ra, qua kết quả tổng hợp số liệu báo cáo của các cơ quan, đơn vị và kiểm tra thực tế, cũng trong ngày 21/5/2021, Sở Tài chính ban hành Công văn số 1111/STC-QLG&CS gửi các cơ quan, đơn vị đề nghị báo cáo kết quả thực hiện việc sắp xếp TSC. Ngày 16/6/2021, Sở Tài chính tiếp tục có Công văn số 1430/STC-QLG&CS về quản lý, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã sau khi sáp nhập. Tại Công văn, Sở Tài chính đề nghị UBND các huyện, thành phố: "Tiếp tục rà soát, xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc của các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa khu dân cư, trung tâm học tập cộng đồng sau khi sáp nhập chưa đề xuất phương án xử lý hoặc đã đề xuất nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa khu dân cư, trung tâm học tập cộng đồng trước khi sắp xếp cần được lấy ý kiến người dân đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt lưu ý khi xây dựng phương án phải tính đến việc phát huy hiệu quả sử dụng của tài sản. Cần rà soát kỹ từng địa chỉ nhà, đất và xem xét nhu cầu sử dụng cho từng công trình công cộng, công trình phúc lợi xã hội tại địa phương, tránh sự lãng phí TSC, trường hợp xác định tài sản dôi dư thì xem xét xây dựng phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng QSDĐ để tổ chức bán đấu giá nộp NSNN. Đối với cơ sở nhà, đất là trạm y tế các xã, phường, thị trấn, đề nghị Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát, sắp xếp, đề xuất phương án xử lý”; đồng thời "Trong thời gian thực hiện các quy trình sắp xếp lại, xử lý TSC, đề nghị UBND các huyện, thành phố, Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước có trách nhiệm bảo quản tài sản theo nguyên trạng, bố trí sắp xếp bảo vệ, trông coi, bảo quản tài sản (vệ sinh, quét dọn, khóa cửa, cổng cơ quan, đơn vị...) cho đến khi thực hiện xong phương án xử lý, tài sản được bàn giao cho đơn vị mới tiếp nhận quản lý, sử dụng. Tránh tình trạng tài sản để không sử dụng, hư hỏng, xuống cấp, thất thoát lãng phí TSC”.
Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý, sử dụng, xử lý TSC tại tỉnh sau khi sắp xếp các ĐVHC đang rất khẩn trương và quyết liệt. Cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, đặc biệt là Sở Tài chính, cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý TSC của tỉnh. Hy vọng trong thời gian tới sẽ không còn những trụ sở bỏ không, lãng phí. Tài sản không có nhu cầu sử dụng, dôi dư sẽ được bán đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, tạo nguồn vốn đầu tư, xây dựng, nâng cấp các trụ sở xuống cấp, góp phần chỉnh trang lại cơ sở vật chất của các xã, phường nói chung và các huyện, thành phố trong tỉnh nói riêng.
Hoàng Nga