(HBĐT) - Thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg, ngày 4/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020, những năm qua, UBND tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chăn nuôi nông hộ phát triển.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 30/2016/QĐ-UBND, ngày 15/7/2016 quy định về một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 2114/QĐ-UBND, ngày 11/9/2018 về việc bổ sung nguồn kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Sở NN&PTNT hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách, tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách; tổng hợp dự toán nhu cầu kinh phí theo quy định về một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, đề xuất hỗ trợ từ nguồn ngân sách T.Ư để triển khai thực hiện; công bố danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi, cung cấp liều tinh, con giống và vật tư đảm bảo chất lượng. Chỉ đạo Sở Tài Chính hướng dẫn thủ tục cấp phát, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Trong giai đoạn, tỉnh được T.Ư hỗ trợ 15 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. UBND tỉnh đã bổ sung kinh phí cho các huyện, thành phố để thực hiện chính sách. Trong đó, huyện Lương Sơn 2,35 tỷ đồng, Đà Bắc 1,385 tỷ đồng, Cao Phong 757,5 triệu đồng, Tân Lạc 635 triệu đồng, Lạc Sơn 1,43 tỷ đồng, Mai Châu 1,875 tỷ đồng, Kim Bôi 2.197,5 triệu đồng, Lạc Thủy 2,55 tỷ đồng, Yên Thủy 770 triệu đồng, TP Hòa Bình 1,05 tỷ đồng. Đến nay, tổng kinh phí đã thực hiện hỗ trợ 3,33 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn kinh phí T.Ư, huyện Lạc Thủy thực hiện hỗ trợ công trình khí sinh học (bể bioga và đệm lót sinh học) tổng số 1,395 tỷ đồng; huyện Tân Lạc hỗ trợ được 90 công trình khí sinh học (bể bioga), tổng số tiền hỗ trợ 225 triệu đồng; TP Hòa Bình hỗ trợ công trình khí sinh học (bể bioga) và hỗ trợ mua con giống, tổng số tiền hỗ trợ 290 triệu đồng; huyện Mai Châu hỗ trợ 650 triệu đồng mua con giống; huyện Yên Thủy hỗ trợ 770 triệu đồng xây dựng công trình khí sinh học (bể bioga); huyện Đà Bắc đã thực hiện hỗ trợ tại một số xã. Còn 4 huyện chưa triển khai thực hiện hỗ trợ: Cao Phong, Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn vì không bố trí được nguồn kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện.
Nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi nông hộ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tỉnh dành nhiều quan tâm đối với lĩnh vực chăn nuôi như ban hành các nghị quyết về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh, quy định chính sách cụ thể phù hợp với thực tế của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện chính sách hỗ trợ còn những tồn tại, hạn chế như: Đặc thù là tỉnh khó khăn, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, chưa cân đối được nguồn kinh phí đối ứng để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trong giai đoạn 2015-2020 theo quy định, do đó, một số địa phương chưa thực hiện giải ngân được, một số địa phương đã thực hiện hỗ trợ nhưng thiếu nguồn kinh phí đối ứng nên thực hiện chưa đúng theo quy định của Bộ Tài Chính; hình thức hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư cho các đối tượng ở các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn nên nguồn kinh phí đối ứng của người dân để triển khai thực hiện không được khả thi.
Đề nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu xây dựng văn bản sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nông hộ phù hợp Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; có cơ chế, chính sách hỗ trợ riêng cho các tỉnh chưa cân đối được nguồn ngân sách đối ứng để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nông hộ cho phù hợp.
V.H