Tuyến đường xóm Mường Lồ đi Mường Lầm là một trong những tuyến đường huyết mạch trong quy hoạch đô thị để trở thành thị trấn của xã Phong Phú (Tân Lạc), hiện đã hoàn thành hơn 70%.
Xã có 14 xóm, hơn 1.900 hộ, trên 8.700 nhân khẩu. Đồng chí Cao Bá Chính, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã xác định mục tiêu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V, trở thành thị trấn của huyện là nhiệm vụ chính trị quan trọng cần phải thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã tập trung tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân trong thực hiện quy hoạch và giải phóng mặt bằng thi công các công trình trọng điểm. Xã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Tháng 5/2021, UBND huyện đã công bố quy hoạch xã tỷ lệ 1/5000.
Phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hiện xã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng một số tuyến đường huyết mạch trên địa bàn, gồm: Tuyến đường từ quốc lộ 6 đi xóm Lũy Ải dài hơn 1 km; từ xóm Lũy Ải đi xóm Mường Lầm dài 3 km; đường xóm Mường Lồ đi Mường Lầm dài 2 km. Các tuyến đường cơ bản đã hoàn thành được từ 50 - 70%. Bên cạnh đó, xã đã khảo sát để xây dựng đường đôi tại xóm Tân Phong dài 3,7 km, dự kiến sẽ khởi công cuối năm nay. Thực hiện quy hoạch công viên cây xanh theo chuẩn cây xanh đô thị. Hệ thống thoát nước được xây dựng đồng bộ cùng với các tuyến đường giao thông chính. Trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang đạt chuẩn.
Song song với đầu tư xây dựng hạ tầng, xã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng. Trong đó, thương mại, dịch vụ chiếm 50,58%; nông, lâm, thủy sản 39,8%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 9,54%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57,65 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,4%.
Chợ Lồ nằm trên địa bàn xã là trung tâm mua sắm của người dân các xã: Suối Hoa, Mỹ Hòa, Nhân Mỹ, Quyết Chiến, nên người dân đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ. Toàn xã có khoảng 600 - 700 hộ kinh doanh, chủ yếu là hàng tạp hóa, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… Xã còn có điểm du lịch cộng đồng xóm Lũy Ải thu hút du khách trong và ngoài nước. Hiện, xã có 3 doanh nghiệp, 1 HTX, 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất. Từ đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu và tiềm năng của mỗi xóm, UBND xã tiến hành phân vùng để phát triển nông nghiệp. Theo đó, vùng trồng ngô sinh khối tại các xóm: Mường Lầm, Mường Lồ, Lũy Ải; vùng trồng bí xanh, bí đỏ (xóm Bẩy Chạo, Kha Lạ, Sơn Phú); vùng nuôi cá ao (xóm Mường Kem, Mường Khạng); nuôi lợn sinh sản, bò vỗ béo (các xóm: Tân Bình, Mường Khung, Tân Phong)… Nhằm trang bị kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, UBND xã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ nông dân kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, theo dõi, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã trăn trở: Hiện, khó khăn lớn nhất trong hành trình trở thành thị trấn là làm thế nào để người dân thay đổi tư duy trong sản xuất. Bà con sản xuất còn manh mún, chưa hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nên nông sản rất khó tiêu thụ. Các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, đội ngũ cán bộ, công chức cần nâng cao trách nhiệm, trau dồi kiến thức, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp, xây dựng các khu dân cư với đầy đủ hệ thống dịch vụ hạ tầng; hướng dẫn Nhân dân và các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy hoạch, quản lý xây dựng đảm bảo đúng quy chế đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc dân tộc.
Thu Thủy