(HBĐT) - Những năm gần đây, với sự quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch, dịch vụ văn hóa đang thay đổi mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần Nhân dân, chuẩn bị những điều kiện cần thiết đưa du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh.
Thời gian qua, kết cấu hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ ở tất cả các địa phương trong tỉnh thay đổi rõ rệt. TP Hòa Bình đã huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai hàng loạt dự án chỉnh trang đô thị, giao thông, thương mại, du lịch. Các khu trung tâm thương mại bờ trái, khu trung tâm Quỳnh Lâm đang lấp đầy những biệt thự, dự án đô thị, thương mại, nhà ở hiện đại, văn minh. Các dự án đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, cầu qua sông Đà mở ra không gian phát triển đô thị rộng lớn, chuẩn bị những điều kiện cần thiết để hoàn thành tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025. Huyện Lương Sơn đã đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các huyện: Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Sơn… có diện mạo đô thị, thương mại, dịch vụ ngày càng khang trang. Thương mại, dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Nhiều tuyến đường giao thông trọng yếu được đầu tư, đưa vào khai thác mở ra cơ hội rất lớn để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ như: Đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, đường 435, đường kết nối quốc lộ 6 với đường Chi Lăng (TP Hòa Bình), cầu Hòa Bình 3, cầu Hòa Bình 2...
Cùng với đầu tư các tuyến đường, công trình trọng điểm, tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thực hiện dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, tâm linh. Hiện đã thu hút đầu tư xây dựng các khu, điểm du lịch sinh thái mới như: Mai Châu Hideaway, Mai Châu Ecolodge, Ba Khan Village Resort tại huyện Mai Châu; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Sun Set tại huyện Lương Sơn; Serena Resort tại huyện Kim Bôi… Đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng khu vực hồ Hòa Bình như xóm Đức Phong, xã Tiền Phong (Đà Bắc) được vinh danh giải thưởng du lịch cộng đồng Asean; bản Sưng - xã Cao Sơn, xóm Ké - xã Hiền Lương (Đà Bắc), xóm Ngòi - xã Suối Hoa (Tân Lạc)… Đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Sun Group, Tân Hoàng Minh, FLC đang khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư các khu du lịch tại TP Hòa Bình, huyện Lạc Sơn, Kim Bôi... Nhiều doanh nghiệp đang khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào vùng lõi khu du lịch hồ Hòa Bình và nhiều địa phương như: Mai Châu, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Đà Bắc… Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cũng được quan tâm đầu tư: 10/10 huyện, thành phố có Trung tâm VH-TT&TT, nhà văn hóa, sân vận động; 120 nhà văn hóa, Trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn; 1.630 nhà văn hóa và 1.172 khu thể thao tại các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.
Năm 2020, toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú; trong đó, được xếp hạng công nhận: 6 khách sạn 3 sao, 25 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 238 nhà nghỉ, 157 homestay du lịch cộng đồng với trên 4.000 phòng; có 9 điểm du lịch địa phương, 1 khu du lịch cấp tỉnh là khu du lịch Mai Châu; 13 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành. Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của tỉnh có mức tăng trưởng bình quân khá tốt, đạt trên 10%/năm.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Toàn tỉnh có gần 1.000 doanh nghiệp, khoảng 30.000 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại cá thể. Bên cạnh hoạt động thương mại truyền thống, trên địa bàn tỉnh đã có sự góp mặt của nhiều đại lý, nhà phân phối có uy tín cung cấp sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách phát triển nhanh, mức lưu chuyển hàng hóa tăng trên 5%/năm. Dịch vụ du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch. Phát triển các loại hình thương mại, ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao để trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp lớn vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế; phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Hòa Bình. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng ngành dịch vụ là 27%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân hàng năm 18%; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 18%/năm; chỉ số giá tiêu dùng hàng năm tăng khoảng 5%; đón 4,9 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 5.400 tỷ đồng... Theo đó, thực hiện các giải pháp cụ thể: Huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống trung tâm hội chợ triển lãm, nhằm phục vụ công tác tổ chức các hội chợ, triển lãm, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến giao thương, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, góp phần thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa và hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa trong thu hút đầu tư phát triển dịch vụ phân phối; đầu tư phát triển mới các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa, điện máy, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ở các khu trung tâm, khu đô thị; phát triển hệ thống đại lý bán buôn, bán lẻ. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức và ngành Logistics, phấn đấu đến năm 2025 có một trung tâm Logistics để tận dụng lợi thế là đầu mối kết nối giữa vùng Thủ đô và vùng Tây Bắc. Phát triển du lịch phải gắn với mục tiêu giữ gìn và bảo vệ môi trường sinh thái với phương châm phát triển: Xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa. Thu hút nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao. Phát triển du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao giải trí, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch cộng đồng tại các làng, bản trên địa bàn tỉnh...
Lê Chung