Những năm qua, xã Thanh Hối (Tân Lạc) phát triển vùng trồngbưởi đỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao trên diện tích canh tác.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Nhuận, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt trong quá trình triển khai chương trình XDNTM. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã, đang được thực hiện quyết liệt, bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Công tác tổ chức lại sản xuất, dồn điền - đổi thửa, tăng cường hoạt động của các HTX nông nghiệp, hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện để dần hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Để thúc đẩy sản xuất, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Các huyện, thành phố đã huy động nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM hỗ trợ các mô hình phát triển sản xuất, mang lại thu nhập cho các thành viên tham gia.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương từng bước phát triển các cây trồng chính với quy mô lớn, tập trung, gắn với thị trường, trên cơ sở phát huy lợi thế của từng vùng. Ưu tiên phát triển nhóm cây ăn quả có múi, mía ăn tươi, rau an toàn. Đã hình thành và mở rộng vùng sản xuất tập trung cây cam, bưởi ở các huyện: Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Tân Lạc; mía ăn tươi ở Cao Phong, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy; sản xuất rau hữu cơ, rau sạch tại Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu; duy trì phát triển vùng chè xanh ở huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn; vùng chè Shan tuyết ở Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc. Ngành trồng trọt đã khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế nội ngành, đóng góp những cây trồng có giá trị và sản lượng cao vào phục vụ phát triển sản xuất mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.
Đi đôi với trồng trọt, các địa phương tập trung phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê; từng bước phát triển theo hướng tập trung công nghiệp, hình thành các vùng chăn nuôi, mô hình chăn nuôi trang trại sử dụng giống năng suất cao, thay đổi phương thức chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tăng hiệu quả chăn nuôi. Phát triển các loại gia súc, gia cầm phù hợp với lợi thế của địa phương đồng thời phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi lồng và kết hợp nuôi trồng trên các hồ thủy lợi. Diện tích nuôi trồng thủy sản đến nay đạt 2,7 nghìn ha và 4,7 nghìn lồng nuôi cá. Một số loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào sản xuất, thu được kết quả tốt như các loại cá: trắm đen, lăng, rô phi, chép, dầm xanh, chiên, tầm...
Nhằm thúc đẩy mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường đầu ra, từ nguồn NSNN cùng với các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân, toàn tỉnh đã xây dựng, phát triển được 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 14 chuỗi lĩnh vực sản xuất rau các loại với quy mô 405 ha, sản lượng 7.929 tấn; 45 chuỗi sản xuất quả các loại (39 chuỗi sản xuất quả có múi quy mô 3.702 ha, sản lượng 63.510 tấn/năm); 13 chuỗi sản xuất nuôi cá lồng sông Đà, quy mô 2.366 lồng, sản lượng 5.833 tấn/năm; 15 chuỗi chăn nuôi; 13 chuỗi chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản… Tại các địa phương có 75 HTX, 104 doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Thời gian qua, huyện Lương Sơn tích cực thực hiện phong trào xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu. Trưởng phòng NN& PTNT huyện Nguyễn Thị Minh cho biết: Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu là bước tiến mới, sự sáng tạo, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của UBND huyện. Phong trào đã phát huy được tối đa vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM. Người dân cũng khẳng định được vai trò của mình, tạo động lực để phát triển kinh tế hộ, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Từ phong trào đã tạo được các mô hình kinh tế hiệu quả, khuyến khích người dân liên kết sản xuất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung vào phát triển các mô hình sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn theo chuỗi liên kết; mô hình cây ăn quả gắn với cải tạo vườn tạp; mô hình cây dược liệu; các mô hình cải tạo và phát triển chăn nuôi... đã tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Thực tế cho thấy, từ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành đã đưa giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản (GRDP) của tỉnh tăng mạnh hàng năm và luôn đứng ở tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc. Năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 20.789 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Đến nay, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt đạt 140 triệu đồng/năm, trên 1 ha mặt nước thủy sản đạt 275 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh đã có 65/129 xã đạt tiêu chí về thu nhập; 69 xã đạt tiêu chí hộ nghèo, 100% xã đạt tiêu chí lao động có việc làm và 103 xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.
Thu Hiền