Hệ thống đường giao thông xã Bắc Phong (Cao Phong) được mở rộng, cứng hóa, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn.
Xác định phát triển hạ tầng KT-XH là yếu tố then chốt, là động lực cho phát triển KT-XH ở mỗi địa phương, do đó, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các địa phương đã tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình XDNTM, chủ động lồng ghép, huy động đa dạng vốn từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH.
Đoàn Kết là xã vùng sâu của huyện Yên Thủy. Trước đây, nhắc đến nơi này nhiều người nghĩ đến vùng quê nghèo trũng thấp, là rốn lũ của huyện trong mùa mưa thì nay, Đoàn Kết là xã NTM và đang tập trung xây dựng xã NTM nâng cao. Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, Đoàn Kết đã thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa với việc huy động sự ủng hộ, đóng góp bằng tiền, vật chất của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Người dân phát huy vai trò chủ thể, hiến đất giúp xã có công trình. Hàng năm, bà con tích cực đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn (GTNT), đường nội đồng, trồng hoa trên các tuyến đường, hàng tháng tổng vệ sinh môi trường, từ đó tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đến nay, Đoàn Kết có gần 80% đường trục thôn, bản, liên thôn được cứng hóa; không còn đường lầy lội vào mùa mưa; khoảng 60% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa được đầu tư khá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Năm nay, mùa xuân dường như đến sớm với xã Bắc Phong (Cao Phong) khi ước mong về xã NTM dần thành hiện thực. Cùng khách dạo bước trên con đường rộng rãi, bằng phẳng rực sắc hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Xuân Thiết phấn khởi: Bắc Phong phấn đấu về đích NTM năm 2021. Tính đến hết tháng 10, xã đạt được 16/19 tiêu chí. Còn 3 tiêu chí là cơ sở vật chất văn hóa, xóa nhà tạm và môi trường đang dồn lực thực hiện và sẽ hoàn thành trong năm nay. Tổng nguồn lực XDNTM của xã đạt 262.890 triệu đồng. Để có được kết quả này có công sức rất lớn của người dân khi đóng góp tiền, ngày công lao động, nhất là nhiều hộ tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường GTNT, giúp bà con đi lại, giao thương thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, các trường học được xây dựng khang trang; nhà văn hóa, sân vận động xã đang hoàn thiện các hạng mục... Những công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng giúp bộ mặt nông thôn "thay da, đổi thịt".
Có thể khẳng định, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và phong trào thi đua "Tỉnh Hòa Bình chung sức XDNTM" đã giúp diện mạo các miền quê đổi mới rõ nét, sạch đẹp, quy củ hơn với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, từng bước đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân khu vực nông thôn. Nổi bật là hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch, kết nối với hạ tầng KT-XH của tỉnh và khu vực. Các tiêu chí về giao thông, điện, trường học, nhà ở dân cư được tỉnh sớm chỉ đạo, triển khai thực hiện, đứng ở top đầu toàn quốc.
Theo đó, toàn tỉnh đã xây mới và nâng cấp, sửa chữa trên 900 công trình hạ tầng GTNT; xây mới, nâng cấp, nhựa hóa, bê tông hóa gần 6.400 km đường; xây mới, sửa chữa, cải tạo, bảo trì được 3.782 cầu, cống, đường tràn trên các tuyến đường GTNT. Với sự ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước, nhiều vùng khó khăn có cơ hội kết nối với các vùng trung tâm, khu vực lân cận để giao thương hàng hóa, tiếp cận, cập nhật sớm thông tin văn hóa, kinh tế, giúp đời sống Nhân dân từng bước nâng cao.
Hạ tầng thủy lợi, hệ thống điện nông thôn được quan tâm đầu tư phục vụ sản xuất thuận lợi, thúc đẩy phát triển KT-XH và nâng cao đời sống người dân. Hiện có 121/129 xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 100% xã đạt tiêu chí về điện. Song song với đó, cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư; 178/369 trường có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. 100% xã có trạm y tế được xây dựng kiên cố, đủ số phòng; trang thiết bị, máy móc thiết yếu cơ bản đầy đủ phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, lồng ghép với các nguồn vốn hợp pháp khác đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa được 82 trạm y tế.
Hệ thống các công trình cơ sở vật chất văn hoá tiếp tục được hỗ trợ đầu tư. Bằng nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, vốn của tỉnh, huyện, thành phố, xã và của Nhân dân đóng góp, các xã đã sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới gần 1.000 công trình cơ sở vật chất văn hóa xã và thôn, xóm; trong đó có 225 công trình nhà văn hóa, khu thể thao xã, 774 công trình nhà văn hóa, khu thể thao thôn.
Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh có bước phát triển; hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương hàng hóa và tiêu dùng của Nhân dân. Từ nguồn vốn chương trình XDNTM kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác, các huyện, thành phố đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 67 công trình chợ nông thôn. Toàn tỉnh đã có 127/129 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thông tin tiếp tục phát triển thuận lợi, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Công tác vận động các cơ quan, tổ chức hỗ trợ xóa nhà tạm được chú trọng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ dân chỉnh trang, xây dựng nhà cửa khang trang, sạch đẹp, đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng.
Với việc chú trọng phát triển hạ tầng KT-XH đã giúp diện mạo vùng nông thôn của tỉnh khởi sắc rõ rệt, ngày càng khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Trong năm 2021, dự kiến có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 64, không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Hiện đã có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.