Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến năm 2021 là một năm khó khăn chưa từng có đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Song kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta dự báo vẫn sẽ thiết lập được mức kỷ lục mới, vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: DUY LINH
Trong đó, riêng hoạt động xuất khẩu dự kiến sẽ đạt tổng kim ngạch khoảng 330 tỷ USD, tăng hơn 17% so năm 2020, là kết quả rất tích cực so kịch bản tăng trưởng chỉ từ 4% đến 5% được đề ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Bộ Công thương.
Tăng cả về chất và lượng
Ngay từ đầu năm 2021, biến chủng Delta với tốc độ lây lan nhanh đã ảnh hưởng nặng nề tới nhiều quốc gia ở giai đoạn nguồn cung vắc-xin còn thiếu. Trong nước, đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh, lan rộng khắp các địa phương đã khiến biện pháp chống dịch nhiều nơi phải thực hiện ở mức cao nhất là phong tỏa, giãn cách xã hội. Đợt dịch này còn lây lan rộng trong các khu công nghiệp, tập trung ở nhiều thành phố lớn khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải dừng hoặc tổ chức sản xuất tại chỗ. Sản xuất bị hạn chế vào giai đoạn cao điểm chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu cho mùa Giáng sinh và năm mới cho các thị trường EU, Mỹ,… dẫn tới hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều thách thức.
Đánh giá về bức tranh xuất nhập khẩu năm 2021, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, tác động nặng nề của dịch Covid-19 đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu nói riêng và xúc tiến thương mại nói chung. Trong năm vừa qua, hoạt động xúc tiến thương mại đều bị gián đoạn do tình hình dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nhưng nhờ sự chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, cùng nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hoạt động xuất khẩu đã vượt qua thách thức để bứt phá với kết quả ấn tượng. Theo số liệu ước liên bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 298,97 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn đạt con số kỷ lục mới với hơn 600 tỷ USD và xuất khẩu tăng trưởng đến gần 20% là một kỳ tích. Lưu ý, đây không chỉ tăng về lượng mà chất lượng tăng trưởng xuất khẩu cũng rất đáng được quan tâm. Đó là trong danh mục hàng xuất khẩu có đến 34 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn một tỷ USD và bảy nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được chuyển dịch tích cực, phù hợp mục tiêu chiến lược đề ra khi nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chính của xuất khẩu, chiếm 86,1% tổng kim ngạch. Đây là bức tranh rất sáng, giúp cho nền kinh tế không chỉ đứng vững trước "cơn bão” dịch bệnh mà còn thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi trong thời gian tới.
Mặt khác, thị trường xuất khẩu cũng được đa dạng hóa với kim ngạch sang hầu hết các thị trường đều tăng. Xuất khẩu sang Mỹ trong 11 tháng dẫn đầu đạt 84,77 tỷ USD, tăng 22,2% so cùng kỳ năm trước; sang Trung Quốc ước đạt 50,47 tỷ USD, tăng 16,8%; sang EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%; sang ASEAN ước đạt 25,89 tỷ USD, tăng 23,2%;… Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mang lại tác động rõ rệt với xuất khẩu hàng hóa, nhất là với các thị trường Việt Nam trước đây chưa ký FTA. Thí dụ, qua ba năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 20% đến 30%/năm. 10 tháng, xuất khẩu sang Canada đạt 4,2 tỷ USD, tăng 17,6% so cùng kỳ; sang Mexico đạt 3,8 tỷ USD, tăng 43,9%; sang Peru đạt 449,3 triệu USD, tăng 84,3%;…
Cán cân thương mại sau một thời gian dài duy trì xuất siêu đã chuyển sang nhập siêu trong những tháng đầu năm. Nguyên nhân nhập siêu đến từ việc xuất khẩu gặp nhiều hạn chế bởi làn sóng thứ tư của dịch Covid-19, trong khi nhập khẩu có xu hướng tăng (tăng về lượng do nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất để đón đầu sự phục hồi cầu hàng hóa tại các thị trường; giá cả nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới tăng; làn sóng chuyển dịch đầu tư của các công ty đa quốc gia kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị tăng). Tuy nhiên, kể từ tháng 10 khi xuất khẩu bắt đầu phục hồi từ quá trình mở cửa kinh tế của nhiều địa phương, cán cân thương mại đã ghi nhận xuất siêu 2,7 tỷ USD, dẫn tới cán cân 10 tháng thặng dư 125 triệu USD. Đến nay, theo số ước liên bộ, cán cân thương mại 11 tháng ước xuất siêu 325 triệu USD.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo Cục Xuất nhập khẩu, dự báo trong năm 2022, hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục có những thuận lợi nhất định. Đó là việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc-xin, nới lỏng biện pháp giãn cách sẽ phục hồi nhu cầu tiêu dùng của người dân với hàng hóa nhập khẩu. Các FTA thế hệ mới đã qua giai đoạn thực thi ban đầu, chuyển sang giai đoạn doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong nước, kết quả tích cực từ hàng loạt giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất. Cùng với đó, làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn sẽ là động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới. Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi cũng là vô vàn khó khăn. Miễn dịch cộng đồng không thể đạt được trong ngắn hạn, xuất hiện biến chủng vi-rút mới với tốc độ lây lan nhanh tiếp tục là những rủi ro lớn đối với kinh tế và xã hội các quốc gia. Xung đột chính trị, thương mại giữa các nước tiếp tục diễn biến khó lường. Thêm nữa, giá hàng hóa tăng mạnh sẽ làm nhập khẩu có xu hướng tăng, trong đó đặc biệt đáng lưu ý các nhóm hàng nguyên vật liệu có thể làm gia tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất. Ảnh hưởng của dịch bệnh cũng sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến ngành vận tải biển khiến giá cước vận tải còn tiếp tục tăng và xảy ra tình trạng thiếu hụt container vận chuyển.
Để tiếp tục giữ vững đà tăng cũng như thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp các hiệp hội, ngành hàng đề xuất thêm các giải pháp tổ chức khôi phục sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh mới với trọng tâm là đồng hành cùng doanh nghiệp, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc.
Hoạt động xúc tiến thương mại sẽ được tăng cường triển khai theo hình thức trực tuyến thay thế cho các hoạt động truyền thống; hỗ trợ nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên môi trường số cho doanh nghiệp để phù hợp tình hình mới. Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam chia sẻ, năm 2022, nhu cầu thực phẩm và thủy sản nói riêng sẽ tăng cao khi nhóm hàng khách sạn du lịch hồi phục. Để hỗ trợ ngành tiếp tục tăng trưởng tốt, Bộ Công thương nên xem xét tái khởi động các hoạt động tổ chức tham gia hội chợ truyền thống đã bị gián đoạn; tăng cường hoạt động trực tuyến B2B để tiếp cận các thị trường tiềm năng như Nga, Australia, Mexico;… tăng cường quảng bá cung cấp thông tin về ngành trong ứng dụng công nghệ thông tin. Cũng theo ông Nam, hiện nay nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho số hóa hoạt động xúc tiến thương mại, một phần do chi phí đầu tư phải liên tục hằng năm, nguyên nhân khác là thiếu nhân lực có chuyên môn về công nghệ. Do đó, nếu có một cổng thông tin quốc gia để quảng bá những ngành xuất khẩu mũi nhọn sẽ là công cụ hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển hậu Covid-19.
Các chuyên gia kiến nghị, đối với cộng đồng doanh nghiệp, yếu tố tiên quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững của xuất khẩu là đổi mới hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng lớn, hàm lượng khoa học-công nghệ cao; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 7,8%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người được cải thiện với mức 51,5 triệu đồng/người; chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai hiệu quả; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững… Đó là những thành quả quan trọng cho thấy huyện Cao Phong đã quyết tâm vượt khó, hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021.
(HBĐT) - Thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, tổng kinh phí được giao là 19.900 triệu đồng (nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ailen).
(HBĐT) - Những năm gần đây, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng khá cả về quy mô và giá trị, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 50 doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có 26 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài.
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hướng nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới, vào Top 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Đây là nhận định trong một bài viết do hãng tin Sputnik (Nga) đăng tải mới đây.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt gần 43,5 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cả năm có thể đạt 47 tỷ USD, tăng 5 tỷ USD so với kế hoạch đề ra. Trong khi đó, vượt qua sự bùng phát của các đợt dịch Covid-19, kết nối cung-cầu tiêu thụ nông sản trong nước năm 2021 cũng đạt nhiều thành quả đáng kể.
Năm 2021 có rất nhiều thách thức trong công tác quản lý giá cả thị trường, khi mà Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ đặt ra nhiệm vụ về công tác quản lý, điều hành giá phải bảo đảm hướng đến mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.