Chiều 29/12, Đoàn công tác của Bộ Công thương do Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn để nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Hàng nông sản vẫn ùn ứ ở cửa khẩu Tân Thanh, Văn Lãng (Lạng Sơn).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ cuối tháng 11/2021 đến nay, lượng hàng hóa từ tỉnh, thành phố trong nước lên các cửa khẩu của tỉnh rất lớn, trong khi năng lực bến bãi và khả năng thông quan hàng xuất khẩu trong ngày chưa tăng thêm. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh duy trì thông quan hàng hóa tại 4 cửa khẩu, gồm: cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Ga đường sắt Đồng Đăng, cửa khẩu song phương Chi Ma, cửa khẩu phụ Tân Thanh.
Đến ngày 8/12, do tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Cocid-19, phía Trung Quốc tiếp tục tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng).
Cùng với đó, phía cơ quan chức năng Quảng Tây (Trung Quốc) đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn, trong đó có việc yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.
Bên cạnh đó, việc giao thương hàng hóa hiện nay chủ yếu diễn ra trên sự thỏa thuận giữa đối tác hai phía do là bạn hàng lâu năm (xuất khẩu tiểu ngạch), có rất ít doanh nghiệp, tư thương thành lập hợp đồng ngoại thương (chính ngạch). Chính những điều này khiến một lượng lớn xe chở hàng hóa xuất khẩu phải tồn tại cửa khẩu của tỉnh để chờ thông quan, qua đó dẫn đến ùn tắc phương tiện tại các cửa khẩu của tỉnh.
Đến ngày 28/12, tổng lượng xe tồn tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị (Cao Lộc); Tân Thanh (Văn Lãng); Chi Ma (Lộc Bình) là 3.838 xe, trong đó số xe chở hoa quả xuất khẩu gần 2.900 xe, tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh. Nếu trường hợp phía Trung Quốc khôi phục năng lực thông quan với lượng xuất khẩu 286 xe/ngày như những ngày gần đây, thì để thông quan được số lượng hàng hóa xuất khẩu tồn đọng tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay cần khoảng 15-20 ngày (với điều kiện không phát sinh thêm xe mới vận chuyển lên cửa khẩu).
Tuy nhiên trong thực tế, với năng lực thông quan hàng hóa xuất khẩu hiện nay, nếu không có sự điều chỉnh, như khôi phục thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh cũng như thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu còn lại, thì để thông quan được số lượng hàng hóa xuất khẩu tồn đọng cần khoảng 50 ngày.
Thời gian qua, nhằm thúc đẩy hoạt động thông quan, tháo gỡ tình trạng ùn ứ xe chở hàng hóa xuất khẩu, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các sở, ngành và các lực lượng tại cửa khẩu triển khai đồng bộ các biện pháp, trong đó trọng tâm là tổ chức trao đổi với phía Trung Quốc để phối hợp cùng tháo gỡ, trong đó đề nghị phía Trung Quốc mở lại hoạt động thông quan một số cửa khẩu của tỉnh, đồng thời thay đổi lại hình thức giao nhận xe chở hàng hóa qua cửa khẩu.
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường việc khử khuẩn và thông báo thường xuyên đến cơ quan chức năng phía Quảng Tây (Trung Quốc) để chứng minh phương pháp thực hiện khử khuẩn hàng hóa xuất khẩu bảo đảm đáp ứng các yêu cầu, được cơ quan chức năng phía Quảng Tây (Trung Quốc) chấp nhận kết quả khử khuẩn, không thực hiện lại việc khử khuẩn hàng hóa khi đã đưa qua biên giới, để thúc đẩy nhanh thông quan hàng hóa.
Song song với đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu như: thực hiện giảm phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; giảm giá dịch vụ xe ra vào bến bãi và hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt cho lái xe...
Tại buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Công thương và lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đã cùng trao đổi và bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, nhất là hàng nông sản và hoa quả tươi. Đặc biệt là cùng bàn về giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu của tỉnh trong bối cảnh gia tăng các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là những nỗ lực của tỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, cũng như những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong thời điểm khó khăn.
Thứ trưởng Công thương cũng mong muốn trong thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn cần tiếp tục linh hoạt trong thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa; tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu… Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động thông quan hàng hóa.
Bộ Công thương sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc để thống nhất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh.
Trước đó, Đoàn công tác đã đi thị sát thực tế tại cửa khẩu Tân Thanh.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Đồng chí Bùi Minh Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhân Mỹ (Tân Lạc) cho biết: Là xã vùng sâu của huyện, sản xuất nông nghiệp chiếm 60% dân số, do đó, thu nhập của hội viên phụ nữ (HVPN) nói riêng và Nhân dân nói chung còn nhiều khó khăn, hạn chế.
(HBĐT) - Năm 2021, trong điều kiện nhiều khó khăn, song là năm có số dự án đăng ký đầu tư tăng mạnh về số vốn đăng ký. Các dự án đi vào sản xuất, kinh doanh tăng, dự án chậm triển khai, không triển khai được rà soát, thu hồi theo quy định. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện.
(HBĐT) - Phát triển đa dạng mô hình kinh tế, tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, phối hợp cơ quan chuyên môn mở lớp đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao KHKT… là những giải pháp được Hội Nông dân (HND) huyện Lạc Sơn tích cực triển khai giúp hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh (SXKD). Qua đó, nhiều hộ hội viên phát huy thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến năm 2021 là một năm khó khăn chưa từng có đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng. Song kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta dự báo vẫn sẽ thiết lập được mức kỷ lục mới, vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.