(HBĐT) - Tổ hợp tác ớt rừng Phú Lương, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) là nhóm sản xuất cùng sở thích của phụ nữ xã Phú Lương với sản phẩm chính là ớt rừng - sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Đây cũng là một trong nhiều sản phẩm của huyện Lạc Sơn được Hội LHPN các cấp hỗ trợ từ xây dựng ý tưởng thành lập tổ hợp tác, nguồn vốn, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…
Chị Bùi Thị Hà, tổ trưởng tổ hợp tác ớt rừng Phú Lương chia sẻ: Tổ trồng ớt rừng Phú Lương được thành lập cuối năm 2018. Thời điểm đó chỉ có 5 chị em cùng sở thích và mong muốn phát triển sản phẩm ớt rừng tham gia. Đến nay, chúng tôi đã có 15 thành viên hoạt động trong tổ. Năm 2019, tại một buổi sinh hoạt chi hội có lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện tham dự, chị em trong chi hội đã mạnh dạn đề xuất được tập huấn kỹ thuật, mong muốn Hội LHPN huyện hỗ trợ kết nối đầu ra cho sản phẩm ớt rừng.
Từ đó, nhận được sự quan tâm của Huyện hội, các chị em đã xây dựng ý tưởng cho sản phẩm ớt rừng Phú Lương. Tháng 6/2019, ý tưởng đã vượt qua vòng loại gần 1.000 ý tưởng toàn quốc, lọt top 35 ý tưởng cấp T.Ư và được hỗ trợ vốn khởi nghiệp 157 triệu đồng. Số vốn được triển khai thành nguồn vốn quay vòng tại tổ hợp tác cho hiệu quả đến nay.
Chị Hà chia sẻ thêm: Từ khi được tham gia các khóa tập huấn kiến thức về xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, marketing do các cấp Hội tổ chức, chị em đã tự tin hơn, tự điều hành và xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của tổ; tự quảng cáo, bán hàng qua ứng dụng zalo, faecbook, chợ mầm (ở chợ mầm các chị đã có được lượng khách hàng phong phú). Năm 2020, sản phẩm ớt rừng Phú Lương đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh càng khẳng định uy tín, nhận được sự tin tưởng của khách hàng. Hiện, tổ hợp tác kết nối với các cửa hàng: Thực phẩm sạch Hòa Bình, cửa hàng Tây Bắc, cửa hàng Bác Tôm tại Hà Nội, 2 cửa hàng bán lẻ tại phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) và huyện Lạc Thủy, siêu thị Vì Hòa Bình (TP Hoà Bình). Đặc biệt, sản phẩm nhận được sự quan tâm của đầu bếp Dương Hải Anh với hy vọng đầu bếp sẽ hỗ trợ quảng bá sản phẩm, mở rộng mạng lưới khách hàng tại thị trường tiềm năng Hà Nội.
Đồng chí Bùi Thị Xiểm, Chủ tịch Hội LHPN xã Quyết Thắng cho biết: Với đặc trưng về độ nồng, cay, thơm ngon, ớt rừng Phú Lương là sản phẩm được ưa chuộng. Ớt sau khi thu hoạch được các thành viên trong tổ hợp tác sơ chế rồi ngâm muối, chế biến thành ớt muối cho vào lọ thủy tinh 100g, giá bán 35.000 đồng/lọ, là sản phẩm được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể bảo quản được 24 tháng. Đây là loại cây trồng phù hợp, hỗ trợ chị em vươn lên thoát nghèo. Sản phẩm được thiết kế mẫu mã, đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các thành viên đã mở rộng diện tích trồng hơn 2 ha, dự định mở rộng diện tích trồng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Đồng chí Bùi Thị Ngợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lạc Sơn cho biết: Hội đang hỗ trợ tổ ớt rừng Phú Lương, các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn đề xuất với huyện phân cho 1 gian hàng tại chợ đầu mối của huyện nhằm giới thiệu các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, thúc đẩy mở rộng tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo cho hội viên.
Hồng Duyên