Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh thăm vùng trồng bưởi theo quy trình sản xuất an toàn và hữu cơ tại xã Tây Phong (Cao Phong).
Ngào ngạt hương bưởi, hương cam
Về vùng đất Mường thời điểm này, cam, bưởi đang vào chính vụ thu hoạch. Hòa vào dòng người tới thăm quan và trải nghiệm vườn cam ở huyện Cao Phong, đứng trước bạt ngàn cây cam trĩu quả chín mọng, thưởng thức những múi cam ngọt lịm, thơm mùi dầu là khoảnh khắc giá trị không phải lúc nào cũng có được. Bao năm nay, vùng đất Cao Phong đã nổi tiếng với loại quả có múi này, bởi vị ngọt và mùi thơm khác biệt. Nhất là với những ai đã gắn bó lâu năm sẽ không thể nhầm lẫn mùi vị của cam Cao Phong với những loại cam khác.
Từ những năm tháng đầu tiên sau khi thành lập huyện, dần dà, cây cam trở nên gắn bó, mang lại cuộc sống ấm no cho bao người dân. Bên những gốc ổi, gốc na, cây cam đến làm bạn để cùng hoà tấu bản giao hưởng nhạc xanh. Mùi hoa mùi quả và mùi rơm rạ của đồng quê đan quyện vào nhau. Tình cây và đất, tình người và cây ấm hơn, đẹp hơn lên trong dòng chảy thời gian vô tận. Chị Vũ Thị Lệ Thuỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX 3T Nông sản sạch Cao Phong (3T Farm) chia sẻ: Từ khi gắn bó với cây cam đến nay, các hộ thành viên của HTX cũng như hầu hết nông dân trồng cam trên địa bàn đã không ngừng nỗ lực, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ để mang đến cho thực khách những quả cam chín mọng, thơm ngon nhất. Các hộ sản xuất ngày càng sáng tạo, năng động trong việc tìm kiếm những hình thức mới góp phần tiêu thụ hiệu quả, giữ gìn và phát triển thương hiệu cam Cao Phong như: Đưa khách thăm quan trải nghiệm vườn cam, mua cam tại vườn; chủ động kết nối với các đối tác trong, ngoài tỉnh để tiêu thụ cam, đưa cam lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT)...
Giống bưởi đỏ trồng trên đất Mường Bi (Tân Lạc) nhiều năm qua không chỉ giúp người dân giảm nghèo, vươn tới làm giàu mà còn góp phần tích cực cải thiện cảnh quan, môi trường sinh thái cũng như phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Với đặc trưng mùi hương thơm ngát, ăn có vị ngọt thanh, phù hợp với mọi lứa tuổi, bưởi đỏ Tân Lạc được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, tìm mua ngày càng nhiều. Năm 2017, "Bưởi đỏ Tân Lạc” đã được do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN công nhận và bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Điều này mở ra nhiều cơ hội để bưởi đỏ vươn tới những thị trường mới, từng bước khẳng định năng lực sản xuất của nông dân cũng như chất lượng nông sản tiêu biểu của tỉnh.
Dù là cam Cao Phong, cam Lạc Thuỷ, cam Mường Động hay bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi da xanh... giờ đây đều đang dần có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Cam bắt đầu thu hoạch từ khoảng đầu tháng 10, còn bưởi chín vào dịp gần Tết Nguyên đán. Cam lúc chín đỏ lựng, bưởi đỏ khi chín lại ngả màu vàng ươm, múi đỏ mọng. Hương cam, hương bưởi phảng phất cùng gió xuân như níu người ở lại, khiến ai dẫu không phải là người con của xứ Mường cũng vẫn muốn tìm về.
Để vùng cây ăn quả có múi phát triển bền vững
Sau nhiều năm nỗ lực quy hoạch, phát triển và gìn giữ thương hiệu, đến nay, toàn tỉnh có 11 nghìn ha cây ăn quả có múi (CAQCM), trong đó, 7,4 nghìn ha đang trong thời kỳ thu hoạch, sản lượng đạt khoảng trên 24 vạn tấn/năm. Giờ đây, cam, bưởi Hòa Bình đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, cam Cao Phong đã được đưa lên máy bay để đến với cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.
Cam Canh huyện Lạc Thủy được khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Nhiều người dân các địa phương khác khi tới thăm vùng cam, vùng bưởi của Hòa Bình cũng mang giống về trồng, tuy nhiên lại khó thành công hơn, bởi hai đặc sản dường như được sinh ra để dành ưu ái đặc biệt cho vùng đất Mường. Đã có không ít nông dân trồng cam, trồng bưởi trong địa bàn tỉnh trở thành tỷ phú. Từng giọt mồ hôi cần mẫn, siêng năng của những người trồng cam, trồng bưởi là giá trị vĩnh cửu, góp phần tạo nên thương hiệu cam, bưởi Hòa Bình nức tiếng. Chính vì thế, sâu thẳm trong mỗi người trồng cây luôn đặt giá trị của thương hiệu, sự chấp nhận từ người tiêu dùng lên cao hơn mọi giá trị được đánh bóng. Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm CAQCM trong những năm tới, góp phần phát triển bền vững vùng sản xuất CAQCM trên địa bàn tỉnh, ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, trọng tâm là triển khai Đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu chung là phát triển bền vững và gia tăng chuỗi giá trị trong sản xuất CAQCM tập trung, đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất đến thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Với việc áp dụng các quy trình sản xuất an toàn và hữu cơ, cam Cao Phong ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Thành viên HTX 3T Farm kiểm tra chất lượng cam trước khi thu hoạch và sơ chế.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm CAQCM, các địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng chống, thích ứng với tình hình dịch bệnh nhằm giữ vùng xanh an toàn; dựa trên điều kiện, tình hình thực tế của địa phương để có kịch bản tiêu thụ sản phẩm CAQCM phù hợp với nhiều tình huống trong những năm tiếp theo; tạo điều kiện thuận lợi cho các sàn TMĐT hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả TTNS. Các nhà vườn ngày càng nâng cao kỹ năng quản lý, chủ động bám sát thông tin thị trường; chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tăng cường ứng dụng tiến bộ KHCN, ứng dụng trong chuyển đổi số nông nghiệp... để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát vùng sản xuất CAQCM theo định hướng phát triển tập trung, tăng cường quản lý tốt quy hoạch, tuyệt đối không phá vỡ quy hoạch làm ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển bền vững của vùng CAQCM.
Thu Hằng