Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc, trao đổi thông tin với Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Nhật Bản.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại (KTĐN), thúc đẩy hội nhập quốc tế để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần phấn đấu đưa kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước vào năm 2025... Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, thu hút đầu tư và huy động nguồn lực phát triển KT-XH. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều chương trình, kế hoạch khó thực hiện, tuy vậy, hoạt động đối ngoại đã đạt được những kết quả nhất định với những hoạt động ý nghĩa, nhiều việc làm mang tính dấu ấn.
Nổi bật là đầu tháng 12/2021, tỉnh ta được đón đoàn công tác của đồng chí Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Nhật Bản. Trong buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, trao đổi về các nội dung hợp tác cung cấp nguồn nhân lực, hợp tác nông nghiệp giữa Hoà Bình và vùng Kyushu; đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tham gia trưng bày tại hội chợ triển lãm hợp tác nguồn nhân lực và hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và vùng Kyushu, coi đây là cơ hội để Hòa Bình xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng của tỉnh với đất nước Nhật Bản… Trao đổi về lĩnh vực có tiềm năng hợp tác đầu tư, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka Nhật Bản đã nhấn mạnh đến phát triển nông nghiệp sạch tại huyện Cao Phong, nhất là phát triển vùng trồng cam gắn với du lịch, các sản phẩm chế biến từ cam. Đồng thời khẳng định sẽ đồng hành với tỉnh trong chuyển giao KHCN; các dự án đầu tư; kết nối các doanh nghiệp (DN) của Hòa Bình với Nhật Bản. Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn bày tỏ mong muốn được thúc đẩy các hoạt động hợp tác cấp địa phương với các tỉnh vùng Kyushu trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển nông nghiệp; đào tạo, trao đổi nhân lực; phát triển du lịch, cũng như được giới thiệu các DN, nhà đầu tư tiềm năng của Nhật Bản tới Hòa Bình tìm hiểu, xúc tiến các cơ hội đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh; ngàiNadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam; lãnh đạo huyện Cao Phong trồng cây tại xã Bắc Phong hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh.
Cũng trong tháng 12, các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã có buổi làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Israel do ngài Nadav Eshcar, Đại sứ Israel tại Việt Nam làm trưởng đoàn đến thăm tỉnh, mở ra cơ hội hợp tác khi Israel là đất nước phát triển, được thế giới đánh giá là một trong những quốc gia hàng đầu về nông nghiệp chất lượng cao. Khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thông tin nhanh về tiềm năng, thế mạnh, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó nêu thực trạng sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, nhất là về giống, kỹ thuật canh tác, chế biến rau, quả... Ngài Đại sứ và thành viên đoàn công tác cho biết, sẵn sàng chia sẻ, hợp tác với tỉnh về các công nghệ thông minh trong tưới tiêu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi... nhằm góp phần mang đến cơ hội giúp tỉnh phát triển. Được biết tỉnh có định hướng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, Đại sứ quán Israel cho rằng, có thể giúp được tỉnh công nghệ hỗ trợ xử lý chất thải, phế thải, công nghệ thông minh truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu là đưa các sản phẩm của Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng xuất khẩu sang Israel.
Năm 2021, hoạt động xuất khẩuhàng hóa của tỉnh giữ được mức tăng khá. Ảnh chụp tại Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam - KCN bờ trái sông Đà (TP Hòa Bình).
Tỉnh ta bày tỏ mong muốn được Đại sứ quán Israel quan tâm hỗ trợ kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hợp tác chuyển giao công nghệ chế biến nông sản hiện đại, an toàn với môi trường... Theo đó, hai bên thống nhất sẽ tổ chức Hội thảo thương mại song phương về phát triển nông nghiệp. Thông qua Hội thảo và sự kết nối của ngài Đại sứ sẽ giúp các DN, nhà đầu tư Israel đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh...
Thực tế chứng minh, với vai trò to lớn của KTĐN đã góp phần đẩy mạnh quá trình đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế và thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, viện trợ phát triển chính thức (ODA) vào tỉnh. Những năm qua, Hòa Bình đã mở rộng quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp với các địa phương và đối tác nước ngoài. Thực hiện tốt các cam kết, thỏa thuận quốc tế đã ký với các tổ chức, cơ quan và các tỉnh, thành phố ở nhiều nước như: Tổ chức ChildFund, Tổ chức AEA, Ngân hàng Tái thiết Đức, Quỹ phát triển Kinh tế Ả rập, tỉnh Luông Pha Bang, Hủa Phăn (Lào), tỉnh TUV (Mông Cổ), thành phố Gimje, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc)… Qua thực hiện các cam kết đã đưa thông tin của tỉnh ra thế giới một cách chính xác, kịp thời, phù hợp từng đối tượng. Đồng thời, thực hiện tiếp nhận thông tin về tình hình thế giới vào tỉnh một cách chọn lọc, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để tranh thủ nguồn lực phát triển KT-XH, trong năm 2021, tỉnh đã tiếp nhận 8 dự án NGOs với tổng giá trị cam kết khoảng 1,57 triệu USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 41 chương trình, dự án viện trợ đang được thực hiện với tổng giá trị cam kết trên 14 triệu USD từ 26 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển, nhà tài trợ.
Điểm nhấn trong công tác KTĐN của tỉnh phải nói tới sự bứt phát trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK). Hiện nay, trong tỉnh có gần 50 DN hoạt động XNK. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 5 nhóm: Nhóm hàng điện tử (10 DN), nhóm dệt may (17 DN), nhóm hàng kim loại (1 DN), nhóm nông sản (7 DN), nhóm hàng hóa khác (14 DN). Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, làm đứt gãy thương mại quốc tế, song hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn giữ được mức tăng khá. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 1.217,78 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, đạt 100% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 980 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm.
Đánh giá của Sở Công Thương cho thấy, trong năm, hoạt động sản xuất phục vụ XNK trên địa bàn tương đối ổn định. Nhóm hàng điện tử không những giữ vững tốc độ xuất khẩu mà còn có dấu hiệu tăng do duy trì các đối tác khách hàng tiềm năng và những đơn hàng đã ký kết từ trước. Đồng thời, đây thuộc nhóm hàng đón bắt được nhu cầu gia tăng liên lạc, kết nối trực tuyến trong bối cảnh hạn chế đi lại. Xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ... và có xu hướng mở rộng sang một số thị trường mới mà Việt Nam là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do vừa ký kết.
Đặc biệt, hoạt động xuất khẩu nông sản có tín hiệu vui khi ngày càng nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao vươn ra thị trường quốc tế. Ngoài các sản phẩm: chuối, nhãn, chè, rau, củ quả muối, miến khô, măng tươi... đã có mặt tại thị trường nhiều nước. Năm 2021, lần đầu tiên sản phẩm mía ăn tươi của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Đức, Anh, đã mở ra cơ hội đối với nông sản chủ lực và sẽ giữ chân được người nông dân tiếp tục gắn bó với cây mía, một loại cây trồng truyền thống của tỉnh.
Thu Hiền