(HBĐT) - Năm 2021, huyện Lạc Thủy là đơn vị tiêu biểu trong phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) của tỉnh. Đó là kết quả của sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt để hỗ trợ phát triển KTTT của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành, phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác (THT) và HTX.
Năm 2021, UBND huyện Lạc Thủy hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm nấm sò trắng của HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp An Sinh, xã An Bình đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Theo thống kê của Ban chỉ đạo phát triển KTTT huyện, toàn huyện có 37 THT và 47 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tổng số thành viên của THT là 1.699 người. Năm 2021, doanh thu bình quân 1 THT đạt 120 triệu đồng. Tổng số thành viên HTX là 969 người, tổng doanh thu các HTX đạt 30.600 triệu đồng. Đa số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm, có sự liên kết trong sản xuất. Điển hình như HTX chăn nuôi gà Lạc Thủy, HTX dịch vụ chăn nuôi Tuấn Chuyền, HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng, HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp An Sinh…
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Năm 2021, nhằm tạo điều kiện cho các THT, HTX phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện đã rà soát những khó khăn, vướng mắc của các HTX bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 để báo cáo các sở, ngành của tỉnh; chỉ đạo các phòng, ban, ngành của huyện nghiên cứu chính sách để hỗ trợ HTX. Trong đó, quan tâm hỗ trợ HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ. Đôn đốc các HTX tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý HTX, tham gia các chuỗi giá trị sản xuất. Trong năm, huyện hỗ trợ 2 HTX có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, gồm: HTX nông nghiệp hữu cơ Hải Đăng với sản phẩm gà tươi nguyên con; HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp An Sinh sản phẩm nấm sò trắng; lồng ghép cho các HTX, THT được tiếp cận với chương trình, dự án phát triển KT- XH, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.
Đặc biệt, các HTX và THT đã thích ứng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giải quyết được vấn đề tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho thành viên. Một số HTX liên kết với nông dân, doanh nghiệp thực hiện các mô hình trang trại quy mô lớn, hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho hộ liên kết, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Chị Đinh Thị Huệ, Giám đốc HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp An Sinh, xã An Bình chia sẻ: Tận dụng các phụ phẩm nông, lâm nghiệp như mùn cưa, rơm, rạ…, HTX mạnh dạn đầu tư vốn để trồng nấm sò trắng. HTX quyết tâm tạo ra sản phẩm sạch, do đó, quá trình sản xuất nấm được khép kín, không dùng hóa chất. Nguyên liệu trồng nấm được trộn và ủ sau 3 tháng mới đóng bịch, sau đó hấp dịch trong 48 tiếng. Khu vực trang trại thoáng mát, nhiệt độ, độ ẩm đảm bảo, không có ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Năm 2021, dưới sự hỗ trợ của các cấp, ngành, sản phẩm nấm sò của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác, túi đựng bắt mắt. Hiện tại, quy mô sản xuất nấm sò trắng của HTX là 1 ha với 15 vạn giá thể, trung bình 1 lứa sau 4 tháng thu hoạch khoảng 20 tấn nấm; giá bán buôn 25.000 đồng/kg. Doanh thu từ nấm đạt gần 1 tỷ đồng/ năm. HTX ký liên kết tiêu thụ tại thị trường Ninh Bình và Hưng Yên. Hiệu quả từ mô hình trồng nấm sò của HTX tạo thu nhập ổn định cho hộ thành viên, giải quyết việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, huyện quan tâm thực hiện các giải pháp: Tiếp tục thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách về KTTT, HTX. Tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực nguồn nhân lực; xây dựng bộ máy quản lý KTTT, HTX; tổ chức thực hiện các kế hoạch, chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; xây dựng, củng cố và nhân rộng các mô hình KTTT mới, điển hình tiên tiến...
Thu Thủy
(HBĐT) - Sáng 15/2, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc về tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông do Sở GTVT và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
(HBĐT) - Bám sát tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các doanh nghiệp (DN), nhất là DN trong các khu công nghiệp (KCN) đã hứng khởi ra quân sản xuất đầu năm với kỳ vọng 2022 sẽ là năm phục hồi mạnh mẽ, tạo đà bứt tốc trong sản xuất - kinh doanh (SX-KD), góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
(HBĐT) - Theo nhận định của cơ quan chức năng, thời gian qua, trên toàn quốc có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung xăng dầu một số địa phương. Trên địa bàn tỉnh, nhờ sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng và doanh nghiệp chủ lực, tình hình cung ứng xăng dầu vẫn được duy trì tốt, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng gây thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu cục bộ.
(HBĐT) - Đó là một trong những mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng (MHTT), phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước (NQ 09).
(HBĐT) - Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả, thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung, cầu nhằm bình ổn giá thị trường, nhất là giá những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, tránh để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý gây bất ổn thị trường trong bối cảnh diễn biễn phức tạp của dịch Covid-19 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, sản xuất của Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6-7%. Đây là dự báo trong bài viết đăng trên báo East Asia Forum.