Trong lộ trình phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Cao Phong chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế của cây mía tím và các nông sản đặc trưng khác.
Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM là chặng đường thể hiện quyết tâm chính trị và sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong. Trên chặng đường đó, Cao Phong vươn lên trở thành địa phương điển hình của cả nước về phát triển vùng chuyên canh cây nông nghiệp chất lượng cao. Bằng cách triển khai mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới, tăng cường sự liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cam Cao Phong đã trở thành thương hiệu nông sản nổi bật hàng đầu của tỉnh, mạnh mẽ vươn ra thị trường lớn. Toàn huyện có 8 sản phẩm được xếp hạng OCOP cấp tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 51,5 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,33%... Đó là những kết quả nổi bật, cho thấy thời gian qua, hệ thống chính trị và người dân Cao Phong đã năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ để quyết tâm xây dựng NTM thành công.
Đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Những kết quả đạt được đặt nền móng quan trọng để toàn huyện tiếp tục phát triển kinh tế bền vững gắn với xây dựng NTM, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Cao Phong trở thành huyện NTM - như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII đã đề ra. Để đạt mục tiêu này, huyện sẽ chú trọng triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm giải pháp. Trong đó, tiếp tục ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp; mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, tăng hàm lượng KHCN, đưa cơ giới hóa vào sản xuất và chế biến nông sản; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng và phát triển thương hiệu các nông sản thế mạnh của huyện... Các giải pháp đang được huyện tích cực triển khai với sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, bám sát định hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM.
Thực tế hơn 10 năm qua, chương trình xây dựng NTM với nòng cốt là các giải pháp phát triển KT-XH bền vững đã tiếp thêm sức mạnh để toàn huyện nỗ lực chuyển mình. Cao Phong ngày nay đang có diện mạo hoàn toàn khác so với thời điểm mới khởi động chương trình, đặc biệt là so với thời điểm mới thành lập huyện. Cùng với những khởi sắc toàn diện trong phát triển KT-XH, toàn huyện đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và phát triển du lịch. Đến nay, huyện có 5/9 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 5/9 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia huyện NTM. Những kết quả tốt đẹp cho thấy Cao Phong đang đi đúng hướng trong hành trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ để huyện xây dựng NTM thành công.
Đỗ Hà