Người dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) thu hoạch dong riềng - một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cao Sơn cách thị trấn Đà Bắc 8 km, có tỉnh lộ 433 chạy qua, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. Năm 2011, xã bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm đạt 3 tiêu chí. Từ năm 2011 đến nay, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đoàn kết, chung tay phấn đấu hoàn thành 16 tiêu chí còn lại. Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 11,3 triệu đồng, đến năm 2015 tăng lên 19,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 42,4%. Xác định, xây dựng NTM là để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, những năm qua, từ các nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM và các nguồn vốn khác, xã mở rộng và phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế điều kiện tự nhiên đem lại. Nhờ đó, đến hết năm 2021, thu nhập của người dân được nâng cao đáng kể, bình quân đạt 40,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,5%.
Những con số đó thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống, thu nhập của người dân. Về Cao Sơn có thể cảm nhận rõ sự thay đổi của mảnh đất này. Từ xóm Sèo, Sơn Phú đến các xóm Tằm, Bai, Nà Chiếu, hạ tầng giao thông được đầu tư thuận lợi. Hay như xóm Sưng nằm biệt lập với các khu dân cư khác trên địa bàn trước đây đường giao thông trắc trở, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Đến nay, với đòn bẩy từ chương trình xây dựng NTM, cuộc sống của bà con người Dao ở xóm Sưng no ấm hơn. "Chương trình xây dựng NTM đã đem lại những sự thay đổi tích cực đối với diện mạo xóm Sưng. Đường giao thông được bê tông hóa thuận lợi, vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được bà con quan tâm là điều kiện để xóm phát triển du lịch, nâng cao thu nhập” - Trưởng xóm Sưng Lý Văn Nghĩa chia sẻ.
Không chỉ đường giao thông được cứng hóa thuận lợi mà các hạ tầng thiết yếu như điện, trường học, trạm y tế đều được quan tâm, xây dựng đồng bộ. Trong giai đoạn 2010 - 2020, tổng nguồn vốn huy động và lồng ghép phục vụ chương trình xây dựng NTM của xã trên 359 tỷ đồng. Trong đó, người dân phát huy tốt vai trò chủ thể, đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, hiến cây cối với tổng trị giá trên 34 tỷ đồng. Những năm qua, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất được các cấp, ngành quan tâm. Trong 6 năm (2015 - 2021), xã tiếp nhận và triển khai thực hiện 7 mô hình kinh tế. Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm được công nhận 3 sao cấp tỉnh là miến dong và rượu ngô. Bên cạnh đó, xã tận dụng tốt lợi thế tỉnh lộ 433 chạy qua để phát triển thương mại - dịch vụ với 29 hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ và các ngành nghề CN-TTCN.
Với những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, năm 2021, xã Cao Sơn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đồng chí Bàn Văn Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Để giữ vững danh hiệu xã NTM và tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, Cao Sơn tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cao hiệu quả các công trình hạ tầng thiết yếu. Vận động, tuyên truyền nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường với phương châm bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp. Tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung, thành lập tổ hợp tác mới về chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân...
Viết Đào