Công ty TNHH MTV Quốc tế Narico tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Thống kê đến đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh, chiếm 6,79% tổng số DN, thấp hơn trung bình của vùng Trung du, miền núi phía Bắc 4,98 điểm%. Theo Hiệp hội DN tỉnh, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn khi gặp khó khăn về nguồn vốn, thị trường, nhân sự trong quá trình sản xuất, kinh doanh chưa nhận được nhiều sự giúp đỡ đắc lực từ các sở, ngành, cơ quan Nhà nước. Thực tế, hầu hết các DN thuộc lĩnh vực xây lắp và chủ yếu dựa vào "bầu sữa” ngân sách Nhà nước trong đầu tư công. Nhiều DN nhỏ kinh doanh tự phát, thiếu sự liên kết, thiếu tài chính và thị trường để kinh doanh. Cùng với đó, các DN trên địa bàn tỉnh hạn chế về khả năng cạnh tranh so với các DN tỉnh khác và các tập đoàn kinh tế lớn trên cả nước. Dù nỗ lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế của tỉnh nhưng các DN luôn đối mặt với nhiều khó khăn từ tài chính, nhân sự đến trình độ quản lý. Nhiều chủ DN cho rằng, với nguồn lực kinh tế, trình độ quản lý, điều hành còn yếu nên khi đứng trước những cơ hội phát triển lại để "tuột khỏi tầm tay”.
Đơn cử riêng về các dự án về lĩnh vực bất động sản đã, đang quy hoạch và triển khai trên địa bàn tỉnh hầu như không có nhiều DN trong tỉnh đủ tiềm lực kinh tế để thực hiện. Về khía cạnh khác, chất lượng nguồn nhân lực, xử lý công việc của cán bộ, công chức tại các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhằm hỗ trợ DN cũng một vấn đề quan trọng và cấp thiết.
Những năm qua, Công ty CPTM Dạ Hợp đã đầu tư khá nhiều dự án trên địa bàn tỉnh như: Dự án nhà ở xã hội Dạ Hợp, Khu Công nghiệp bờ trái sông Đà các dự án khu đô thị… Công ty đang tập trung triển khai dự án hoàn thiện cụm công nghiệp với diện tích hàng chục ha trên địa bàn TP Hòa Bình, dự kiến sẽ sớm đón nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bà Vũ Thị Hợp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dạ Hợp cho biết: Mặc dù nhận được sự quan tâm của các sở, ngành, địa phương đối với các dự án của DN triển khai nhưng cần nâng cao hơn nữa chất lượng nguồn nhân lực nhằm xử lý đúng các thủ tục hồ sơ và có giải pháp hiệu quả, nhanh chóng hơn nữa trong thu hút đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc tiết kiệm thời gian cho DN trong xử lý các thủ tục hành chính là vấn đề cấp thiết không chỉ đối với riêng công ty, mà còn với rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.
Quan điểm từ phía cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh, vai trò của các sở, ngành rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho DN phát triển bền vững, cũng như tăng cường thu hút đầu tư chính là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ. Trong đó, đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò của kinh tế tư nhân, DN dân doanh. Thay đổi cách thức đánh giá cán bộ, khuyến khích những cán bộ, lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, tập trung cải cách một số thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục thúc đẩy tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu chi phí, thời gian cho DN; quyết liệt ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN trong giải quyết công việc.
Các sở, ngành và cấp huyện, thành phố cần nâng cao hơn nữa hiệu quả các trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận "một cửa”. Thực hiện hiệu quả việc tiếp thu và xử lý các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN, gồm cả kiến nghị của các doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, tạo điều kiện tối đa nguồn lực tài chính từ phía các tổ chức tín dụng trong hoạt động của khối DN; đẩy mạnh đầu tư công là những điều kiện cần thiết trước mắt giúp các DN trong tỉnh phát triển.
Có được những hỗ trợ thiết thực từ các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp sức thêm cho cộng đồng DN. Từ đó, không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư, mà còn giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn, sản xuất nhiều hơn sau khó khăn do dịch Covid-19, tạo việc làm và ổn định cuộc sống cho người lao động, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh.