(HBĐT) - Năm 2022, Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 9% trở lên. Song, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp; dịch Covid-19 tiếp tục tác động tới sự phát triển, cùng với đó là thị trường tiêu thụ hàng hóa khó khăn; giá xăng dầu ngày một leo thang đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các thành phần kinh tế nên những tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh còn chậm so với mục tiêu đề ra. 

Do vậy, thúc đẩy, tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo để bù đắp lại chỉ tiêu chưa đạt trước đó, đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra 9%... là mục tiêu xuyên suốt và cũng là nhiệm vụ hàng đầu được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.


6 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm may mặc tăng 12,05%, qua đó đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Ảnh: Công ty may GGS, KCN bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình).

Từ đầu năm đến nay, quán triệt các văn bản chỉ đạo của T.Ư, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước phục hồi, phát triển KT-XH. Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 8/1/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 18/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN tỉnh năm 2022 với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực. UBND tỉnh đã giao chi tiết cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện với 19 chỉ tiêu KT-XH trọng tâm, chủ yếu năm 2022; 54 chỉ tiêu, 153 nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, lĩnh vực; kịch bản tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; kế hoạch triển khai 4 dự án đầu tư công và 7 dự án đầu tư ngoài ngân sách trọng điểm khởi công trong năm 2022. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, ngay trong tháng 1/2022, các sở, ban, ngành, địa phương đã hoàn thành xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND và chủ động tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng kế hoạch, chương trình được xây dựng.

Để tạo nền móng thúc đẩy phát triển KT-XH nói chung và tăng trưởng nói riêng, tại nhiều cuộc họp của Tỉnh ủy, BTV và Thường trực Tỉnh ủy, cũng như dự họp UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Ngô Văn Tuấn đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt một số quy hoạch quan trọng như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; quy hoạch xây dựng vùng huyện; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình; quy hoạch phân khu và một số vị trí có lợi thế thu hút đầu tư, như: dọc tuyến đường liên kết vùng, hai bờ hạ lưu sông Đà; dọc đường Hòa Lạc - Hòa Bình; các huyện: Lương Sơn, Kim Bôi, Yên Thủy. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hoạt động SX-KD của doanh nghiệp; triển khai đồng bộ, linh hoạt giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Các cấp, ngành quan tâm giải quyết vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm...

Đặc biệt, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện hiệu quả đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và các đề án của Tỉnh ủy về phát triển kết cấu hạ tầng, lĩnh vực nông nghiệp, CN-TTCN, dịch vụ... Trong đó, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng, gia công, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn. Huy động nguồn lực tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp làm cơ sở thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ và tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch của các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, T&T, Lạc Hồng...

Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, 6 tháng đầu năm nay, KT-XH của tỉnh có chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực tăng trưởng khá. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,13%; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,63%; công nghiệp - xây dựng tăng 6,17% (riêng công nghiệp tăng 7,44%); dịch vụ tăng 7,32%; thuế sản phẩm giảm 11,45%. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 25.637 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 27.230 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 1,68 triệu lượt người, tăng 99,6% so với cùng kỳ năm trước, bằng 65% kế hoạch năm, tổng doanh thu ước đạt 1.900 tỷ đồng, bằng 79,1% kế hoạch năm... Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn; nhiều dự án tắc nghẽn trong giải phóng mặt bằng... Những hạn chế này đã tác động trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Vừa qua, tại cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong việc đôn đốc, triển khai kịch bản. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của tỉnh có chuyển biến tích cực, song trên thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, trong những tháng cuối năm tỉnh phải quan tâm đôn đốc đầu tư xã hội, trong đó cần thúc đẩy để thực hiện giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2022, đặc biệt là đầu tư ngoài xã hội với việc triển khai khởi công cũng như giải ngân đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách. Kết quả triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng đối với kết quả tăng trưởng kinh tế.


Hoàng Nga

Các tin khác


Thay đổi tư duy, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại kinh tế tuần hoà

Tuy sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm,thủy sản khoảng 55 tỷ USD, cao hơn Chính phủ giao 5 tỷ USD.

VCCI: Khắc phục tình trạng ''xin - cho'' trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là nội dung mang tính đột phá của Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai chưa đạt được nhiều kết quả tích cực như kỳ vọng.

Đối thoại về việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ và đưa vào kế hoạch phát triển nông nghiệp chung tại tỉnh

(HBĐT) - Ngày 28/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam về việc mở rộng diện tích canh tác hữu cơ và đưa vào kế hoạch phát triển nông nghiệp chung tại tỉnh. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam; đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan, đại diện hệ thống PGS tại các địa phương trong tỉnh.

Xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP

 (HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như: Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), tích cực tham gia các hội chợ, mở cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… Qua đó, giúp chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

PC Hòa Bình đẩy nhanh tiến độ các công trình điện

(HBĐT) - Đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện là một trong những giải pháp quan trọng để chống quá tải điện, đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn, nhất là trong mùa nắng nóng. Thời gian qua, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư xây dựng (ĐTXD) hạ tầng lưới điện năm 2022.

29 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư

(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh ước có 255 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn khoảng 7.350 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số lượng DN cấp mới tăng 1,2%, số vốn đăng ký tăng 0,48%. Có 120 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh; 25 DN giải thể tự nguyện; 80 DN quay trở lại thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục