Những năm qua, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển KT-XH.
Là tỉnh miền núi với địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt nên công tác đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Sau tái lập tỉnh, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh còn sơ sài, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện mới đạt trên 70%. Với sứ mệnh "điện phải đi trước một bước” để phát triển KT-XH, những năm qua, hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh đã và đang được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Đồng chí Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc PC Hòa Bình cho biết: Để nâng cao chất lượng điện năng, những năm qua, công ty đã huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng lưới điện. Trong đó, tập trung vào xây dựng đường dây trung, hạ áp và lắp đặt thêm Trạm biến áp ở các khu vực non tải, quá tải, bán kính cấp điện xa. Trong giai đoạn 2016 - 2020, công ty đã đầu tư xây dựng trên 400 công trình, với tổng số vốn trên 700 tỷ đồng; gần 200 tỷ đồng cho các dự án sửa chữa lớn, trên 200 hạng mục công trình và hàng chục tỷ đồng cho các dự án sửa chữa thường xuyên.
Hai năm trở lại đây, công tác đầu tư, xây dựng hạ tầng lưới điện tiếp tục được đẩy mạnh, với hàng trăm trạm biếp áp được cấy mới ở các khu vực có chất lượng điện áp thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Riêng trong năm 2022, công ty đã và đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng lưới điện trung, hạ thế, với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, đến nay, 100% hộ dân ở các địa phương trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh được nâng cao, nhiều khu vực hạ tầng lưới điện còn khó khăn nay đang từng ngày được nâng cấp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện của người dân.
Cùng với những nỗ lực trong đầu tư, cải tạo hạ tầng lưới điện, PC Hòa Bình đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số. Đồng chí Nguyễn Phúc Thịnh, Giám đốc PC Hòa Bình cho biết, công ty phấn đấu đến hết năm 2022 cơ bản chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số. Để đạt được mục tiêu đó, công ty đẩy mạnh thực hiện giải pháp chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Nổi bật như trong công tác số hóa dữ liệu, PC Hòa Bình đã hoàn thành bước 1 chuẩn hóa thông tin của khách hàng, tiếp tục triển khai hoàn thiện bước 2, gồm gắn biển nhận dạng và dán tem. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ dán tem nhận diện khách hàng đạt 98%; số công tơ điện tử đạt gần 193.000, chiếm tỷ lệ 72% tổng số công tơ trên lưới.
Bên cạnh đó, công tác số hóa hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng tiếp tục được đẩy mạnh, đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Trong đó, công ty đã liên kết với các ngân hàng, đơn vị trung gian, ví điện tử để đẩy mạnh việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt. Với đa dạng hình thức thanh toán đã giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đi lại, chủ động thanh toán tiền điện qua các dịch vụ trực tuyến. Đến hết tháng 7/2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt trên 64%, gần 23 nghìn khách hàng sử dụng dịch vụ trích nợ tự động. Ngoài ra, việc tiếp nhận dịch vụ điện bằng phương thức điện tử cấp độ 4 và qua Cổng dịch vụ công quốc gia ngày càng được chú trọng, với tỷ lệ đạt lần lượt là 99,56% và gần 57%. Hiện nay, công ty tích cực đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới và tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh.
Với những kết quả đã đạt được, PC Hòa Bình là một trong những đơn vị tiên phong của tỉnh trong thực hiện chuyển đổi số. Cùng với những nỗ lực trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng lưới điện, chất lượng điện năng trên địa bàn tỉnh được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh. Trong bối cảnh tỉnh đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, việc đảm bảo về chất lượng điện năng sẽ là một trong những động lực quan trọng.
Viết Đào