(HBĐT) - Là huyện còn nhiều khó khăn, nhưng Đà Bắc đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Để nắm bắt được những cơ hội đó, một trong những giải pháp quan trọng mà huyện xác định, đó là thực hiện tốt công tác quy hoạch.
Huyện Đà Bắc đứng trước nhiều cơ hội để tạo bứt phá trong phát triển KT-XH, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch. Ảnh: Trung tâm thị trấn Đà Bắc.
Đà Bắc là huyện miền núi, vùng cao của tỉnh, phía Bắc giáp huyện Thanh Sơn và Tân Sơn (Phú Thọ); phía Đông giáp TP Hòa Bình; phía Nam giáp huyện Cao Phong, huyện Tân Lạc; phía Tây giáp huyện Mai Châu và các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Phù Yên (Sơn La). Huyện Đà Bắc có điều kiện tự nhiên tương đối đặc thù, có đồi, núi, sông, suối xen kẽ tạo thành nhiều dải hẹp và chia cắt mạnh nên địa hình có độ dốc lớn. Mạng lưới giao thông của huyện gồm đường bộ và đường thuỷ nội địa. Trong đó, đường bộ là phương thức vận chuyển chính đóng vai trò quan trọng nhất, gồm tuyến đường tỉnh 433 qua địa bàn huyện 83 km và hệ thống đường giao thông nông thôn có tổng chiều dài khoảng 1.268,5 km. Những năm qua, KT-XH của huyện có bước phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày một nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, địa hình vùng núi cao chia cắt, phức tạp kèm theo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, thiên tai khó lường, kết cấu hạ tầng có xuất phát điểm thấp nên đời sống của một bộ phận nhân dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Do vậy, hiện Đà Bắc là huyện nghèo duy nhất của tỉnh theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 29,8 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới là 41,56%.
Khó khăn còn nhiều ở phía trước nhưng Đà Bắc đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để bứt phá trong phát triển KT-XH, nếu thực hiện tốt công tác quy hoạch. Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định của pháp luật là 1 trong 4 đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh đó, ngày 25/3/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình (huyện Đà Bắc có 7 xã nằm trong quy hoạch). Cùng với đó, tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đi qua địa bàn huyện Đà Bắc đã tạo ra những cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn huyện. Do đó, từ năm 2020 đến nay, công tác quy hoạch được Huyện ủy, UBND huyện Đà Bắc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tài trợ kinh phí lập các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đang triển khai lập và quản lý 36 đồ án quy hoạch xây dựng, gồm: Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035; đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; 7 đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500; 10 đồ án quy hoạch phân khu xây dựng và 16 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/10.000 thị trấn Đà Bắc và vùng phụ cận đến năm 2035 có nhiều nội dung điều chỉnh mang tính "thời sự”, đột phá. Đó là quy hoạch thị trấn Đà Bắc và vùng phụ cận thành 3 phân khu chức năng phát triển, gồm: Phân khu 1 là khu đô thị trung tâm, gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Đà Bắc; Phân khu 2 - Khu dịch vụ tổng hợp - cụm công nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp, gồm toàn bộ địa giới hành chính xã Tú Lý; Phân khu 3 - Khu du lịch sinh thái gắn với lòng hồ Hòa Bình, gồm toàn bộ địa giới hành chính 2 xã Hiền Lương và Toàn Sơn. Đồ án đã quy hoạch cụ thể các khu vực phát triển mở rộng đô thị, hành lang du lịch sinh thái, cụm công nghiệp, dịch vụ, du lịch dọc ven đường cao tốc trong tương lai.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc nhấn mạnh: Các đồ án quy hoạch được nghiên cứu lập tạo thêm không gian phát triển, khai thác hiệu quả quỹ đất; đồng thời triển khai xây dựng theo kế hoạch phát triển cho từng năm và từng giai đoạn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo thêm nguồn lực để phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, các quy hoạch lập mới và điều chỉnh từng bước giải quyết được các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất. Các khu vực dân cư được chỉnh trang, các chỉ tiêu quản lý nhà ở được ban hành tạo nhiều thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo cho tổ chức, cá nhân và người dân được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất và đầu tư xây dựng.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác lập quy hoạch và xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2022 và những năm tiếp theo; công tác quy hoạch phải đi trước một bước, bám sát và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đại hội Đảng bộ huyện; có quy hoạch tốt mới có đề án, dự án tốt, thu hút nhà đầu tư tốt và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Viết Đào
Quá trình phục hồi kinh tế-xã hội đang diễn ra mạnh mẽ hơn với đà tăng trưởng kinh tế bứt tốc từ quý II/2022. Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng tích cực, nền kinh tế đang phải đối mặt nhiều rủi ro có thể xảy ra cả trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn, đòi hỏi phản ứng chính sách phải kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm, quyết liệt và hiệu quả.
(HBĐT) - Sáng 12/8, Cục Thuế tỉnh tổ chức hội nghị tuyên dương các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt nghĩa vụ nộp thuế năm 2021.
(HBĐT) - Từ đêm ngày 11 và sáng 12/8, do ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn TP Hòa Bình đã có mưa to có nơi mưa rất to. Đặc biệt, khu vực hạ lưu thuỷ điện Hoà Bình dọc tuyến sông Đà xảy ra tình trạng ngập cục bộ hàng chục ha lúa và hoa màu. Ngoài ra, 1 cháu bé 10 tuổi tử vong do không may ngã xuống khu vực kênh nội đồng xã Hợp Thành. Chính quyền các phường, xã trên địa bàn đã và đang nỗ lực khắc phục tình trạng ngập úng và chia sẻ với gia đình có cháu bị nạn.
Sáng 12/8, giá vàng trong nước giảm 50 nghìn đồng/lượng so với cuối phiên hôm qua (11/8).
(HBĐT) - Thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) có tổng diện tích cây ăn quả 274 ha. Trong đó, cây ăn quả có múi (CAQCM) 244,5 ha, cây ăn quả khác như thanh long, nhãn, ổi 29,5 ha. Thời gian qua, thị trấn Ba Hàng Đồi phát triển cây ăn quả theo đúng kế hoạch, xác định cam, bưởi, thanh long là những cây trồng chủ lực. Địa phương thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch của huyện về phát triển ngành trồng trọt. Qua đó góp phần khai thác tiềm năng đất đai, từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
(HBĐT) - Việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công (GNVĐTC) là một yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành kế hoạch tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 của tỉnh đạt 9%. Do vậy, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo việc phân bổ nguồn vốn và thúc tiến độ giải ngân. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Giám đốc các Ban quản lý dự án chuyên ngành của tỉnh và các chủ đầu tư phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch VĐTC được giao trong năm 2022; đảm bảo giải ngân theo từng mốc thời gian cụ thể (đến ngày 30/6/2022, giải ngân đạt trên 50% kế hoạch vốn (KHV) giao, đến ngày 30/9 đạt trên 70% và đến ngày 31/1/2023 đạt 100% KHV giao). Tuy vậy, hiện kết quả giải ngân không đạt mục tiêu đề ra, tỷ lệ còn thấp so với yêu cầu.