Nhân dân xã Cư Yên (Lương Sơn) phát triển mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế khá.
Tại các địa phương thuộc vùng động lực, hệ thống công trình thuỷ lợi đã cấp nước tưới chủ động phục vụ sản xuất (cho vụ chiêm xuân và vụ mùa) tính đến đầu năm 2022 là 11.171 ha, tăng so với năm 2017 là 1.312 ha. Diện tích tiêu chủ động cho lúa và các khu đô thị và nông thôn khoảng 766 ha. Qua các năm, hệ thống đê điều liên tục được củng cố, nâng cấp và mở rộng, ngày càng kiên cố, đảm bảo an toàn cho các khu vực được bảo vệ. Vùng động lực hiện có 325 công trình và hệ thống công trình thuỷ lợi, tăng 49 công trình so với năm 2017. Cụ thể, tưới bằng trọng lực 301 công trình, phục vụ tưới cho khoảng 7.968 ha lúa và 729 ha rau màu, 692 ha cây công nghiệp và cây ăn quả; tưới bằng động lực 21 công trình, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 464 ha lúa, 124 ha rau màu, 226 ha cây công nghiệp, cây ăn quả; tưới kết hợp trọng lực và động lực cho khoảng 3,4 ha lúa, 3,2 ha rau màu.
Trong vùng đã tập trung hình thành và phát triển vùng sản xuất rau an toàn, rau bản địa và các sản phẩm có thế mạnh khác; thúc đẩy sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (ATTP), đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, đã hình thành được một số vùng sản xuất trồng trọt tập trung theo hướng hàng hóa như: Vùng sản xuất cây ăn quả có múi (cam, bưởi) tại các xã Phú Nghĩa, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy), xã Cao Dương, Thanh Sơn, Thanh Cao (Lương Sơn); khu vực sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn tại các xã Cư Yên, Nhuận Trạch, Liên Sơn (Lương Sơn); phường Dân Chủ, Trung Minh (TP Hòa Bình); vùng sản xuất cây sả (chiết xuất tinh dầu, làm gia vị) tại phường Thống Nhất (TP Hòa Bình). Tại các vùng sản xuất đã có 30 cơ sở sản xuất với tổng diện tích 410,52 ha được chứng nhận đủ điều kiện ATTP, tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ... với nhiều cơ sở điển hình sản xuất có quy mô, sản lượng lớn để tiêu thụ, có uy tín trên thị trường trong và ngoài tỉnh, xuất khẩu. Điển hình như: Liên nhóm rau hữu cơ huyện Lương Sơn (27,4 ha); HTX nông nghiệp Mỹ Tân, xã Cao Dương (Lương Sơn) với 85 ha bưởi Diễn; tổ hợp tác trồng cây có múi Lạc Thủy, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) với 42 ha; HTX chuối Viba, xã Liên Sơn (Lương Sơn) quy mô 9,5 ha; HTX sản xuất chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà quy mô 25 ha chuối; Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) quy mô 1 ha sản xuất dưa vàng kim hoàng hậu, dưa chuột, dưa lưới; Công ty TNHH SkyFarm, xã Cao Sơn (Lương Sơn) quy mô 0,8 ha sản xuất cà chua; Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh, xã Thống Nhất, Lạc Thủy) quy mô 1,1 ha sản xuất dưa lưới.
Công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) phục vụ xuất khẩu, đã hỗ trợ cấp 7 MSVT và 5 MSCSĐG phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, cấp 4 MSVT chuối và thanh long xuất khẩu thị trường Trung Quốc, 3 MSVT bưởi Diễn xuất khẩu thị trường Châu Âu. Đến nay, các cơ sở tại vùng động lực đã xuất khẩu hơn 700 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, hơn 50 tấn mía trắng, mía tím sang thị trường Châu Âu (Đức).
Cùng với phát triển sản xuất, công tác thông tin, tuyên truyền bảo vệ môi trường trong sản xuất trồng trọt thường xuyên được thực hiện; trong giai đoạn đã phối hợp với các địa phương vùng động lực tổ chức 120 lớp tập huấn, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng với hơn 4.000 lượt người tham gia. In và cấp phát 6.000 tờ rơi về hướng dẫn sử dụng, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Tại các địa phương vùng động lực đã có 450 bể chứa bao gói thuốc BVTV (kích thước khoảng 1m3, chứa được từ 50 - 150 kg vỏ bao gói) hầu hết ở các khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng và thuận tiện cho người dân khi sử dụng thuốc BVTV.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được thực hiện hàng năm theo kế hoạch với 8 lớp đào tạo (nghề quản lý dịch hại tổng hợp; trồng lúa năng suất cao; trồng cây thanh long), 9 mô hình (phòng trừ chuột tổng hợp, sâu keo mùa thu; trình diễn một số giống lúa năng suất, chất lượng cao; quản lý bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn), 47 lớp tập huấn, huấn luyện nông dân với trên 1.410 lượt nông dân tham gia. Thông qua các mô hình, lớp tập huấn, huấn luyện nông dân giúp bổ sung kiến thức mới cho nông dân đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH trong giai đoạn mới, tạo ra sản phẩm có chất lượng cung caaos cho thị trường. Đến nay, trong vùng có 37 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên, tương đương 37% sản phẩm của cả tỉnh; trong đó, 9 sản phẩm đạt 4 sao (TP Hòa Bình 5, huyện Lạc Thủy 2, Lương Sơn 2), chiếm 40,9% và 28 sản phẩm đạt 3 sao (TP Hòa Bình 9, huyện Lạc Thủy 11, Lương Sơn 8), chiếm 35,89%.
V.H