Một tuần sau khi trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng từ 4% lên 5%/năm, hầu hết các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động.


Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại một chi nhánh Agribank.

Giới chuyên gia kỳ vọng, việc tăng lãi suất huy động ở thời điểm này sẽ thu hút được lượng lớn tiền gửi nhàn rỗi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Nhưng mặt khác, cũng dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ biến động tăng theo.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 16/9, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng trái với mức tăng cao của tín dụng, tăng trưởng huy động toàn hệ thống mới chỉ đạt 4,17% so với cuối năm 2021, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động. Vì vậy, trong bối cảnh các nhà băng "khát” tiền gửi, việc tăng lãi suất huy động một mặt giúp giảm căng thẳng về thanh khoản; nhưng mặt khác, khi chi phí đầu vào tăng thì lãi suất cho vay cũng khó tránh biến động.

Đua tăng lãi suất tiền gửi

Ngay sau khi các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân đồng loạt tăng lãi suất huy động, các ngân hàng thuộc nhóm "big 4” gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng tăng theo. Cụ thể, theo biểu niêm yết Vietcombank cập nhật ngày 29/9, lãi suất tiết kiệm tăng mạnh từ 0,8-1,3%/năm ở các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-3 tháng của Vietcombank tăng 1% lên 4,1 - 4,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8% lên 6,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 24 tháng cũng tăng 1% lên 6,4%/năm. VietinBank cũng tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng-dưới 3 tháng thêm 1% lên 4,1%/năm, lãi suất từ 3 tháng đến dưới 6 tháng tăng lên 4,4%/năm.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng 0,8% lên 6,4%/năm. Agribank điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng lên 4,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng là 4,8%/năm; lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng là 6,4%/năm. Trong khi đó, BIDV điều chỉnh lãi suất huy động các kỳ hạn 1 và 2 tháng tăng kịch trần 1% lên 4,1%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn từ 3-5 tháng tăng lên mức 4,4%/năm. Riêng mức lãi suất các kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng tại BIDV đã có sự chênh lệch, thay vì bằng nhau như trước đó, cụ thể kỳ hạn 6 tháng tăng 0,7% lên 4,7%/năm, kỳ hạn 9 tháng tăng 0,8% lên 4,8%/năm. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ hạn từ 12-36 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,8% lên mức 6,4%/năm.

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn qua đêm cũng tăng mạnh lên trên 5%/năm. Theo báo cáo thị trường tiền tệ của Bộ phận phân tích chứng khoán SSI (SSI Research), trong tuần từ 19/9 đến 23/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiếp tục sử dụng các công cụ hoạt động thị trường mở nhằm duy trì thanh khoản trên hệ thống ở mức vừa đủ và gián tiếp tác động lên mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Cụ thể, cơ quan này đã phát hành 73,8 nghìn tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày, tăng 65,5% so với tuần trước. Lãi suất phát hành đạt 4,5% (tăng 50 điểm cơ bản so với tuần trước) trong bốn ngày đầu tuần và tăng lên 5,0% vào phiên giao dịch thứ 6. Nghiệp vụ mua kỳ hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hằng ngày đạt 1.000 tỷ đồng và lãi suất cũng được điều chỉnh tăng dần và kết tuần đạt 5,5% (tăng 90 điểm cơ bản).

Như vậy có thể thấy, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại đang có xu hướng tăng. Và theo dự báo của giới chuyên gia, thời gian tới, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng để các nhà băng có thể huy động lượng tiền nhàn rỗi từ người dân cũng như các tổ chức trong bối cảnh tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay luôn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đưa ra dự báo, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,3%-0,5% từ mức hiện tại trong những tháng cuối năm 2022. Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1%-6,3%/năm vào cuối năm 2022. Sang năm 2023, đà tăng lãi suất tiền gửi sẽ duy trì do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, đồng thời ngân hàng thương mại tăng nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho hoạt động cho vay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Vì vậy, lãi suất huy động có thể tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2023, theo đó lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,6%-6,8%/năm vào cuối năm 2023.

Áp lực với lãi vay

Trên thực tế, lãi suất huy động đã tăng trong một thời gian dài, nên lãi suất cho vay đã bắt đầu "rục rịch” tăng theo. Chị Nguyễn Kim Oanh, một khách hàng đang có khoản vay mua ô-tô tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) chia sẻ, hai năm qua do tác động của dịch Covid-19 nên lãi suất cho vay được ngân hàng giữ ổn định tại mức 11,2%/năm.

"Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 20/6, ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất cho vay, áp dụng tại mức 11,4%/năm và ngày 19/9, ngân hàng lại gửi thông báo lãi suất áp dụng cho khoản vay là 11,9%/năm. Với việc các ngân hàng đồng loạt tăng mạnh lãi suất huy động từ ngày 23/9, tôi cũng không biết ở kỳ điều chỉnh ba tháng tiếp theo ngân hàng sẽ tăng tiếp lên mức bao nhiêu nữa”, chị Oanh lo lắng.

Chia sẻ với nỗi lo lắng của những khách hàng như chị Oanh, nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại sẽ khiến cho lãi suất cho vay khó có thể giữ được ở mức thấp. Theo chuyên gia tài chính-ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mặt bằng lãi suất huy động đi lên sẽ khó tránh được việc lãi suất cho vay sẽ tăng theo. Thậm chí, mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1% - 1,5% từ nay đến cuối năm 2022 để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2% với hạn mức 40.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành thời điểm này là cần thiết, không chỉ kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, mà còn giúp cải thiện thanh khoản ngân hàng. Thông thường, lãi suất huy động tăng sẽ khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng lên. Tuy nhiên, do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chủ trương ổn định lãi suất cho vay, nên các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, mà phải tiết giảm chi phí hoạt động. Song với một số lĩnh vực không phải ưu tiên, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cũng khẳng định, dù tăng lãi suất điều hành nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ vận động các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí để cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên. Đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay. Theo đó, khi lãi suất tiết kiệm tăng sẽ kích thích lượng tiền gửi vào ngân hàng, bảo đảm thanh khoản dồi dào để cho vay khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục