Nhiều hộ người Dao xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi) đầu tư phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập.
Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 5,06%/năm. Kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, hộ nghèo 6.720 hộ, chiếm 24,03%, cận nghèo 4.178 hộ, chiếm 14,94%.
Kết quả trên đánh dấu sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện hiệu quả những chính sách đối với vùng ĐBDTTS. Đồng chí Bùi Quang Hợp, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ vùng ĐBDTTS như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách đối với người có uy tín, các chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ... Qua đó góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của ĐBDTTS. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy. Người dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, làm tiền đề để xây dựng NTM.
Giảm nghèo bền vững, đảm bảo sinh kế cho bà con vùng ĐBDTTS là một trong những mục tiêu quan trọng huyện Kim Bôi hướng tới. Từ năm 2016 đến nay, huyện thực hiện một số chính sách giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/ 2009/QĐ-TTg, kinh phí thực hiện 8.059,912 triệu đồng, hỗ trợ cho 21.660 lượt hộ. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 4.711,552 triệu đồng, hỗ trợ bằng hiện vật trị giá 3.340,136 triệu đồng. Thực hiện các chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP hỗ trợ sản xuất kinh phí 6.198 triệu đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; chính sách xuất khẩu lao động, hỗ trợ công tác tập huấn, truyền thông về các chính sách, chương trình xuất khẩu lao động và hỗ trợ trực tiếp cho lao động trong việc học tập định hướng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để tham gia xuất khẩu lao động, kinh phí hỗ trợ 343,2 triệu đồng…
Thông qua các chính sách đã khơi dậy tính cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong lao động sản xuất, vượt lên khó khăn của ĐBDTTS. Bà con đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao. Toàn huyện hiện có trên 1.800 ha cây ăn quả trồng tập trung, trong đó, diện tích trồng mới khoảng 103 ha, diện tích kinh doanh trên 1.400 ha, diện tích kiến thiết cơ bản trên 299 ha. Tổng đàn vật nuôi được duy trì và phát triển, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng 9 tháng năm nay ước đạt 7.623 tấn, tăng 19,3% so với cùng kỳ.
Làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã Hùng Sơn. Đồng chí Nguyễn Khắc Thành, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để hỗ trợ bà con thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã lồng ghép chính sách hỗ trợ vùng ĐBDTTS, dự án giảm nghèo của huyện và hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Hàng năm, Trung tâm Học tập cộng đồng xã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở lớp đào tạo nghề nông thôn, tập huấn kiến thức trồng cây ăn quả có múi, chăm sóc chè, hỗ trợ giống, vật tư nông nghiệp cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo. Bà con đã, đang phát triển các loại cây trồng thế mạnh của địa phương như: Sả, cây ăn quả có múi và chăn nuôi gia súc. Hiện, toàn xã có trên 200 ha cây ăn quả, tổng đàn lợn trên 4.000 con, đàn trâu gần 1.000 con. Năm 2021, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 118 hộ, chiếm 6,3%; cận nghèo 119 hộ, chiếm 10,2%.
Thu Thủy