Doanh nghiệp sản xuất chế biến thức ăn gia súc, gia cầm tại xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Nói rõ hơn về tình trạng "khát” vốn này, nhiều DN trên địa bàn tỉnh cho biết, do các tổ chức tín dụng (TCTD) đều thắt chặt tín dụng theo chỉ đạo, hạn chế giải ngân cho vay vì lý do hết "room”, hoặc yêu cầu từ NH chỉ thực hiện giải ngân cho hoạt động SX-KD được xác nhận qua hoá đơn, chứng từ đầy đủ. Với không ít DN, trong 1 - 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nay không còn tài sản thế chấp đã đành. Nhưng nhiều DN dù có đủ tài sản thế chấp và vẫn đang dư thừa hạn mức tín dụng, nhưng cũng khó khăn trong tiếp cập nguồn vốn NH.
Chị Nhung, giám đốc một DN trong lĩnh vực xây lắp tại phường Quỳnh Lâm (TP Hoà Bình) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Theo chị Nhung, mặc dù DN của chị có đủ tài sản thế chấp, được NH cấp hạn mức tín dụng, nhưng NH yêu cầu phải có hoá đơn thuế thể hiện việc mua vật liệu mới được giải ngân để thanh toán cho đối tác bán hàng. Ngoài ra, trước đây NH còn cho DN vay vốn để thanh toán nhằm trả lương cho công nhân lao động bằng bảng lương do DN cung cấp. Tuy nhiên đến nay, việc này không còn được NH áp dụng. Trong khi thực tế hiện nay, giá nhân công ngày một tăng cao, nhiều khi DN rất khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân lĩnh vực xây lắp.
Cùng hoàn cảnh như DN chị Nhung còn có rất nhiều DN khác, bởi thời gian qua, tình trạng hết room theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại các NH trên địa bàn tỉnh cũng khiến nhiều DN đang vay thế chấp tài sản tại các TCTD, mặc dù tài sản thế chấp vẫn còn có thể được nâng hạn mức để đáp ứng nhu cầu SX-KD, nhưng nhiều khi được thông báo không thể vay thêm. Hầu hết các DN gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn đành phải gồng để chờ chính sách mới từ NH. Nếu tình trạng này kéo dài e rằng không ít DN lâm vào tình cảnh lao đao, nhất là khi đến thời gian đáo hạn.
Đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc phụ trách NHNN tỉnh cho biết, nhu cầu tín dụng của DN sau 2 năm dịchCovid-19 tăng rất nhanh. Thống kê trong 8 tháng năm 2022, dư nợ trên toàn địa bàn của các NH, TCTD đạt khoảng 31.680 tỷ đồng, tăng 8,1%, tương đương 2.375 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 41,8%/tổng dư nợ (TDN); dư nợ trung, dài hạn chiếm 58,2%/TDN.
Thống kê từ NHNN tỉnh cũng cho thấy, hầu hết các NH, TCTD tập trung cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 51%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 7.290 tỷ đồng, chiếm 23%/TDN. Số còn lại là cho vay xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ.
Theo cơ quan chức năng của tỉnh, tính đến ngày 30/6/2022, trên địa bàn có khoảng 4.370 DN, vốn đăng ký 116.758,6 tỷ đồng, ước tính có đến 95 - 97% DN nhỏ và vừa. Trong số DN nhỏ và vừa có đến 70 - 75% DN liên quan lĩnh vực xây lắp và hầu hết hoạt động của các DN này phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng NH.
Theo đại diện Hiệp hội DN tỉnh, khi DN gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn rất dễ dẫn đến tình trạng phát sinh tiêu cực trong hệ thống NH. Thêm nữa, trong điều kiện room không có, phải có khách hàng đáo hạn, tất toán thì DN khác mới được vay thêm. Thậm chí, để được vay sớm so với hàng dài danh sách khách hàng chờ đợi, thì có khi bí quá không loại trừ chính DN cũng phải chủ động "lót tay” cho cán bộ NH để khi có hạn mức cho vay được mở được ưu tiên đẩy vào sớm nhất.
Việc siết tín dụng quá chặt không những với các DN mà còn với nhiều người dân đang rất có nhu cầu vay vốn, nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn cho vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, DN cần được xem xét, điều tiết nguồn vốn tín dụng hợp lý hơn từ các NH, TCTD. Qua đó để những DN thực sự có nhu cầu SX-KD chính đáng có thể tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời.
"Khi các NH đang cạn dần hạn mức tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của DN vẫn rất lớn thì nguy cơ bùng phát tín dụng đen là hiện hữu. Điều đó càng gây khó khăn cho hoạt động SX-KD của DN, đồng thời còn ảnh hưởng đến việc làm của công nhân, người lao động tại các DN” - một đại diện Hiệp hội DN tỉnh cho hay.
Được biết, ngày 22/9/2022, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ban hành quyết định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức (trừ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,3%/năm lên 0,5%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 1%/năm lên 5%/năm. Ngay sau thông báo của NHNN, một loạt NH đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động.
Các NH bên cạnh tăng cường thu hút tiền gửi bằng tăng lãi suất huy động, cùng với việc sau khi được NHNN điều chỉnh chỉ tiêu nới room tín dụng mới đối với 18 NH trên cả nước, trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng… Đồng thời, có điều kiện duy trì tốt mặt bằng lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ tốt hơn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các DN.
Hồng Trung