Thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh tăng cao. Nhưng đúng thời điểm này, lãi suất cho vay ở phần lớn các ngân hàng thương mại lại rục rịch tăng, khiến bài toán chi phí của doanh nghiệp càng thêm khó. Áp lực tăng lãi suất đang hiện hữu, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phục hồi của doanh nghiệp càng đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa của cả hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp để dòng vốn với lãi suất ưu đãi được thông suốt.


Sản xuất bún, mì,... tại Công ty thực phẩm Minh Dương (Hoài Đức, Hà Nội).

Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, cao hơn so hai năm trước. Nhìn lại dòng chảy tín dụng thời gian qua có thể thấy, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm, đây là vấn đề rất khác so với các năm trước.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao, tính đến ngày 25/10, tín dụng đã tăng 11,5% so thời điểm đầu năm và tăng hơn 17% so cùng kỳ năm 2021, là mức cao so cùng kỳ nhiều năm trước. Điều này cũng cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng năm 2022 đã có sự đóng góp tích cực từ nguồn vốn của hệ thống ngân hàng.

Sau hai năm buộc phải giảm công suất do tác động của đại dịch Covid-19, những người lao động tại Công ty thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã quay trở lại guồng làm việc như trước khi có dịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Duy Hồng cho biết, trong thời gian dịch bệnh, công ty chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tất cả chi phí cho sản xuất đều tăng lên, như chi phí cho người lao động tăng do công ty áp dụng "3 tại chỗ”, nguồn nguyên liệu nhập khẩu có lúc về chậm, và chi phí nặng nhất là giá cước vận tải từ Việt Nam đi các nước đội lên quá cao.

Với hơn 70% sản phẩm dành để xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Thái Lan,… nên để tránh tình trạng đứt chuỗi phân phối, công ty phải chấp nhận chịu chi phí tăng, lợi nhuận giảm nhưng bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là giữ chân được bạn hàng nước ngoài. Một trong những điều quý giá nhất của Công ty thực phẩm Minh Dương, theo chia sẻ của ông Hồng, đồng hành trong suốt chặng đường hơn 30 năm từ ngày đầu thành lập, hay qua giai đoạn phục hồi, rồi đến thời điểm tăng tốc của doanh nghiệp hiện nay, luôn có sự hỗ trợ của ngân hàng.

Với hạn mức tín dụng 45 tỷ đồng được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh huyện Hoài Đức cấp, công ty hoàn toàn có thể chủ động trong khâu trả nợ và vay lại, từ đó giúp doanh nghiệp luôn giữ được sự lành mạnh về tài chính. "Bất kỳ khi nào cần nguồn vốn trong hạn mức, ngân hàng đều cung cấp kịp thời. Nhờ vậy, chúng tôi duy trì và phát triển được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Như trong dịch bệnh, hàng hóa kém đi, khách hàng nợ tiền,… nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng thì doanh nghiệp không thể duy trì ổn định được”, ông Nguyễn Duy Hồng cho hay.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CNC Tech Group (Vĩnh Phúc) Vũ Anh Tuấn cho biết, công ty đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với tổng tài sản hơn 2.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn dịch bệnh, công ty vẫn may mắn được ngân hàng cấp các khoản vay lưu động. Sau dịch bệnh, phía ngân hàng giải ngân rất kịp thời cho các khoản đầu tư phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, doanh nghiệp đã khai thác được cơ hội để bảo đảm tiến độ cũng như chất lượng sản phẩm cho khách hàng.

"Nắn” vốn rẻ vào lĩnh vực ưu tiên

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận, việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức do một số nguyên nhân như các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

"Hiện lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng; tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho hay, hoạt động ngành ngân hàng đang chịu áp lực khi lãi biên (NIM) có xu hướng giảm do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cũng như khả năng đối mặt với tình trạng nợ xấu gia tăng vào cuối năm. Cụ thể, theo chia sẻ từ quyền Tổng Giám đốc ABBank Nguyễn Mạnh Quân, trước tác động mạnh từ thị trường, một số chỉ tiêu kinh doanh của ABBank đến cuối quý III/2022 chưa đạt như kỳ vọng, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận đạt 1.702 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 55% kế hoạch năm 2022.

Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022, ABBank xác định luôn sẵn sàng thích ứng và có những quyết sách linh hoạt với sự biến đổi của thị trường. Trong quý cuối cùng của năm, ABBank đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số nhằm đem đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ.

Ngoài ra, cũng nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khi mặt bằng lãi suất tăng lên, trong quá trình điều hành, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho đối tượng ưu tiên và các tổ chức kinh doanh. Thực tế, những lĩnh vực này từ đầu năm đến nay tăng trưởng tốt, góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN có quy định trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, bảo đảm cho 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ gồm xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các doanh nghiệp đủ điều kiện đều có thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường. "Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo bảo đảm cho tăng trưởng tín dụng phù hợp kinh tế vĩ mô và bảo đảm cho khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh.

Riêng về Chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, đại diện NHNN cho biết đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, NHNN cũng thừa nhận trong thực tiễn, số liệu có được rất ít. Vừa qua, NHNN đã tổ chức các cuộc khảo sát liên ngành, trực tiếp đến các địa phương nắm bắt thông tin. Trong đó, tại một địa phương, có 183 khách hàng đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ nhưng tới 126 khách hàng không quan tâm đến hỗ trợ lãi suất, 46 khách hàng chưa có phản hồi.

"Đây là một nghịch lý, cần được các đơn vị, địa phương quan tâm, phân tích thấu đáo và trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp để đánh giá và có báo cáo tổng thể, trên cơ sở tiếp tục khảo sát nhiều hơn, nhằm phác họa được bức tranh toàn diện, báo cáo Chính phủ và Quốc hội”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Mai Châu: Hội viên nông dân đóng góp trên 6.500 ngày công lao động xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cấp Hội Nông dân huyện Mai Châu đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân trên địa bàn cùng chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí.

Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, nâng cấp hạ tầng và tăng cường quản lý, giám sát để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bức tranh kinh tế-xã hội của đất nước: Lạc quan, không chủ quan

Qua 3/4 chặng đường năm 2022, bức tranh kinh tế-xã hội của đất nước đã thể hiện rõ những nét phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các ngành, lĩnh vực qua nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Quốc hội và Chính phủ đã kịp thời có những quyết định mang tính chất lịch sử, bước ngoặt, thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Doanh nghiệp chật vật đối mặt áp lực của biến động tỷ giá

Ðồng USD liên tục tăng giá đang tác động bất lợi đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu. Trong khi đó, đơn hàng từ phía nhà nhập khẩu lại có xu hướng giảm do tác động tiêu cực của lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta. Cộng thêm các yếu tố như giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao,… đang "bủa vây” hoạt động của doanh nghiệp vốn chồng chất khó khăn trong những tháng cuối năm 2022 này.

Khởi sắc thu ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - Trong 10 tháng năm 2022, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh được đánh giá đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành thuế và tài chính vẫn phải nỗ lực mới đạt kết quả cao trong thực hiện nhiệm vụ thu.


Tiềm năng phát triển cây lấy măng tại huyện Lạc Thủy

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy có diện tích núi đá tương đối lớn và nhiều thung lũng, chân núi phù hợp phát triển cây lấy măng (tre gai, tre bát độ, bương, luồng…). Giá trị kinh tế của cây lấy măng đem lại không nhỏ. Ngoài khai thác cây trưởng thành để lấy gỗ nguyên liệu phục vụ xây dựng và gia dụng, việc khai thác măng còn mang lại giá trị cao trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục