(HBĐT) - Những năm qua, trên địa bàn xã Thạch Yên (Cao Phong) có không ít hộ đã vượt lên đói, nghèo khi sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, đặc biệt là vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Thạch Yên là xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa 2 xã Yên Thượng và Yên Lập theo Nghị quyết số 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những năm qua, đời sống của người dân ở xã khó khăn này đã có những chuyển biến đáng ghi nhận. Trong đó, nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, đã có nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá. "Ngày trước, đời sống của bà con nghèo lắm, chưa có nhiều nhà xây như bây giờ. Đường giao thông trắc trở, kinh tế cũng vì thế mà trì trệ. Từ khi được vay vốn của NHCSXH và nhờ hệ thống điện, đường được đầu tư, đời sống của bà con đã thay đổi nhiều”, đó là chia sẻ của ông Bùi Đức Nhung, người dân xóm Rớm Khánh, xã Thạch Yên.
Rớm Khánh có trên 100 hộ người dân tộc Mường sinh sống, xóm có 2 tổ tiết kiệm và vay vốn. Gia đình ông Nhung là một trong những hộ vượt khó tiêu biểu nhờ sử dụng vốn chính sách hiệu quả. Đến thăm gia đình ông, chúng tôi ấn tượng khi có 2 căn nhà nằm liền kề nhau. Một là căn nhà sàn trông khá cũ được lợp bằng mái proximăng; ngay bên cạnh là nhà xây kiên cố mới được hoàn thiện cách đây vài tháng, trị giá hơn 400 triệu đồng. Ông Nhung chia sẻ rằng, trước khi được vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, kinh tế gia đình rất khó khăn, thậm chí có thời điểm thiếu ăn. Từ khi được tiếp cận vốn chính sách, gia đình ông đã mua trâu về nuôi. Nuôi lớn thì xuất bán, sau lại tái đầu tư thêm trâu giống về nuôi vỗ béo. Cứ xoay vòng như thế, những lứa trâu được xuất bán đã đem lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình.
"Từ khi có vốn đầu tư nuôi trâu, kinh tế dần vơi bớt khó khăn. Sau này, khi thoát nghèo lên diện cận nghèo, gia đình tiếp tục được NHCSXH tạo điều kiện cho vay vốn để chăn nuôi trâu, nuôi lợn, đào ao thả cá và trồng rừng. Nhờ đó mà gia đình tích cóp được vốn, kinh tế khá hơn. Năm ngoái, gia đình tôi đã chính thức thoát nghèo và xây dựng được căn nhà mới khang trang hơn”, ông Nhung chia sẻ. Được biết, ông Nhung cũng là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Rớm Khánh. Tổ do ông Nhung quản lý có 29 tổ viên, dư nợ gần 1,6 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ SX-KD vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường. Nhờ vốn chính sách mà bình quân mỗi năm, xóm Rớm Khánh có từ 5 - 6 hộ thoát nghèo.
Đồng chí Bùi Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Những năm qua, kênh vốn qua NHCSXH đã hỗ trợ rất lớn cho người dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Thông qua vốn chính sách đã giúp nhiều hộ nghèo xây dựng được nhà ở, xây dựng và cải tạo công trình nước sạch, vệ sinh để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, tổng dư nợ vốn chính sách trên địa bàn xã đạt trên 50 tỷ đồng. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã còn cao (gần 50%), thu nhập mới đạt 23,5 triệu đồng/người/năm. Do đó, trong thời gian tới, mong muốn NHCSXH tiếp tục quan tâm, đáp ứng vốn ngày càng tốt hơn cho người dân. Đặc biệt là tăng mức cho vay để người dân đầu tư sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Viết Đào