Toàn bộ diện tích củ cải Quyết Chiến của HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến (Tân Lạc) đã được chứng nhận VietGAP.
Bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2017, HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến, xã Quyết Chiến phát triển sản xuất các loại rau, củ theo chuỗi liên kết. Mô hình của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn, vì sức khỏe của người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Chị Đinh Thị Quyết, Giám đốc HTX cho biết: Năm nay, sản phẩm củ cải Quyết Chiến của HTX được UBND huyện hỗ trợ chuẩn hóa sản phẩm OCOP 3 sao. Để sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn, HTX đã lựa chọn cây cải củ giống Hàn Quốc để trồng. Cây sinh trưởng, phát triển rất khỏe, lá có nhiều lông nên sâu bệnh khó xâm hại. Bên cạnh đó, nhờ bộ lá cây rau đứng, cùng chênh lệch nhiệt độ ngày, đêm lớn đã giúp tăng hiệu suất quang hợp, cho năng suất lên tới 80 - 85 tấn củ/ha/vụ. Toàn bộ diện tích củ cải Quyết Chiến đã được chứng nhận VietGAP; một số diện tích đang trong thời kỳ chuyển đổi, sản xuất theo quy trình hữu cơ. Sản phẩm được khách hàng ở các tỉnh, thành phố ưa chuộng, bởi củ đặc, ngon, ngọt mát, không ngăm đắng như củ cải ta. Hơn nữa, dù thu hoạch muộn nhưng lõi củ vẫn không bị hóa bấc, ngoài phần củ thì lá vẫn có thể chế biến thành món ăn.
Không chỉ riêng sản phẩm của cải Quyết Chiến, xác định tham gia Chương trình OCOP là cơ hội để quảng bá, nâng cao giá trị nông sản nên UBND huyện Tân Lạc đã ban hành kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia. Theo đó, hàng năm, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội LHPN huyện… tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền lồng ghép các nội dung về Chương trình OCOP cho hàng trăm lượt hội viên, chủ thể sản xuất. Nhờ đó, nhận thức của người dân về chương trình được nâng lên.
Bên cạnh đó, UBND huyện phối hợp với các đơn vị, ngành chuyên môn tăng cường hỗ trợ các chủ thể tham gia về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm; phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức tập huấn cho cá nhân, hộ sản xuất trong việc xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm, mở rộng thị trường tiêu thụ... Cán bộ phụ trách OCOP của huyện đã khảo sát và thu thập thông tin, phân tích ưu - nhược điểm của các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của huyện và đưa ra hướng khắc phục, chuẩn bị cho bước tiếp theo; tư vấn cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt được thứ hạng cao; hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về logo, nhãn hiệu, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc... Đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy Chương trình xây dựng NTM.
Đồng chí Bùi Đức Hiển, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: OCOP như "tấm hộ chiếu” giúp sản phẩm của địa phương đến những thị trường lớn hơn. Hơn nữa còn góp phần làm tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp và quảng bá hình ảnh, nâng cao thương hiệu các đặc sản của địa phương. Đây là cơ sở để hình thành vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết sản xuất, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông trên địa bàn huyện. Với những giá trị đem lại của sản phẩm OCOP, từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã chủ động lựa chọn và hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ chuẩn hóa cho 3 sản phẩm là củ cải Quyết Chiến, mật ong rừng xóm Cú, xã Tử Nê và du lịch cộng đồng xóm Chiến, xã Vân Sơn, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đưa nông sản đặc trưng của huyện đến với nhiều thị trường hơn nữa.
Thu Hằng