Đến nay, toàn tỉnh có 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm OCOP được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã.
Công ty CP Kim Bôi, khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) là đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong hoạt động xuất khẩu nông sản với các sản phẩm măng, miến, phở khô.
Đến năm 2022, toàn tỉnh có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 55,1% số xã trên địa bàn tỉnh, bình quân đạt 16 tiêu chí/xã. Có 20 xã NTM nâng cao, 60 khu dân cư kiểu mẫu, 170 vườn mẫu; huyện Lương Sơn, Lạc Thủy và TP Hòa Bình đạt chuẩn NTM. 123 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, 99 sản phẩm 3 sao. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 95,5%. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ổn định 51,5%.
Phát huy lợi thế, tiềm năng, ngành nông nghiệp tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực trong các lĩnh vực. Đối với trồng trọt gồm cây ăn quả có múi, mía, rau an toàn. Lĩnh vực chăn nuôi với 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê. Thủy sản chú trọng nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình... Năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế của sản phẩm nông nghiệp chủ lực tăng nhanh; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Năm 2022, giá trị thu được trên 1 ha canh tác ước đạt 155 triệu đồng. Đa số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước; nhiều nông sản được xuất khẩu.
Phát triển cây ăn quả có múi, trên địa bàn tỉnh hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tại các huyện: Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy. Hiện, tổng diện tích cây ăn quả có múi trên 9.600 ha, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh trên 7.400 ha. Khoảng 20% diện tích cây có múi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng niên vụ năm 2021 - 2022 ước đạt 166,7 nghìn tấn; giá trị thu nhập bình quân đạt từ 350 - 400 triệu đồng/ha/vụ. Từ triển khai đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, hỗ trợ phát triển sản xuất, chứng nhận chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại nên năng suất, chất lượng quả có múi luôn khẳng định được uy tín trên thị trường với các thương hiệu cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Mường Động...
Song song với trồng trọt là phát triển các loài vật nuôi ổn định; chất lượng, giá trị đàn vật nuôi tăng. Hiện, tổng đàn trâu có 114.550 con, bò 87.525 con, lợn 465.402 con, dê 51,7 nghìn con, đàn gia cầm 8.462 nghìn con. Chăn nuôi nông hộ giảm, chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, phát triển các trang trại theo chuỗi khép kín, chăn nuôi sinh học. Việc bảo tồn, phát triển giống lợn, gia cầm bản địa được chú trọng như: lợn bản địa Đà Bắc, gà Lạc Thủy, gà đồi Lạc Sơn.
Với lợi thế mặt nước hồ Hòa Bình, tỉnh chú trọng phát triển nuôi cá lồng. Toàn tỉnh hiện có 2,7 nghìn ha mặt nước ao, hồ nuôi trồng thủy sản; phát triển được 4,85 nghìn lồng cá. Sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 12.00 tấn, trong đó sản lượng khai thác 2.000 tấn, nuôi trồng 10.000 tấn. Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cá, tôm sông Đà phát huy hiệu quả với hàng trăm hộ liên kết và HTX tham gia. Một số doanh nghiệp (DN) đầu tư vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Cường Thịnh, Công ty TNHH thủy hải sản Hải Đăng HB, Công ty CP quốc tế Minh Phú, Công ty Mavin... và hàng chục cửa hàng, nhà hàng cung cấp sản phẩm cá, tôm sông Đà tại Hà Nội.
Chất lượng, mẫu mã sản phẩm tốt giúp nông sản chủ lực của tỉnh khẳng định được uy tín trên thị trường. Đa số sản phẩm nông nghiệp chủ lực được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 - 4 sao. Một số sản phẩm vươn ra thị trường xuất khẩu như mía tím, nhãn Sơn Thủy, sản phẩm măng chế biến... Năm 2021, tỉnh xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu. Trong đó, có thể kể đến Công ty TNHH Pacific xuất khẩu sang Nhật Bản 80 tấn gừng, ớt, rau, củ, quả muối, giá trị 41 tỷ đồng/năm; cháo sen Bát Bảo của Công ty Minh Trung xuất sang thị trường châu Âu 200 tấn, giá trị 100 tỷ đồng; chuối tươi của HTX sản xuất, chế biến nông thủy sản Phú Cường - Sông Đà được xuất khẩu sang Trung Quốc; Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long, Công ty TNHH 2-9, Công ty TNHH giống cây trồng Phương Huyền xuất khẩu chè sang Đài Loan; Công ty CP Kim Bôi xuất khẩu măng, miến, phở khô sang 6 thị trường: Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc... Ngoài ra, một số DN chế biến, xuất khẩu gỗ sang thị trường nước ngoài với sản lượng 114.000 m3/năm, giá trị đem lại khoảng 500 tỷ đồng…
Những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM đã góp phần tạo nên sự thay đổi toàn diện về chính trị, KT-XH, chất lượng cuộc sống, môi trường ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn một số hạn chế: Tỷ trọng ngành trồng trọt vẫn cao trong cơ cấu nội ngành; tỷ trọng ngành thủy sản, chăn nuôi tăng khá, song giá trị còn thấp. Sản lượng nông sản lợi thế, giá trị kinh tế cao chưa nhiều. Phát triển sản xuất tập trung chưa đồng đều giữa các vùng; quy mô sản xuất nhỏ và phân tán. Tỷ trọng sản phẩm tập trung tại thành phần kinh tế hộ, chưa phát huy được vai trò động lực của kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và DN Nhà nước. Liên kết sản xuất còn rời rạc; sản xuất theo chuỗi quy mô nhỏ; diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chưa nhiều. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thiếu và yếu, đặc biệt ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn có địa hình phức tạp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách vào nông nghiệp, nông thôn thấp và có chiều hướng giảm, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong dân thấp. Năng lực cạnh tranh nông sản thấp, nhất là khi phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Tỷ lệ DN và số vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thấp; DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa nhiều...
Cam Cao Phong là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh được cấp bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá sông Đà phát huy hiệu quả với hàng trăm hộ liên kết và HTX tham gia nuôi cá lồng. (Ảnh tại xã Hiền Lương, Đà Bắc).
Hiện, giống gà Lạc Thủy được nhiều hộ chăn nuôi quy mô lớn theo chuỗi khép kín, đem lại thu nhập cao. (Ảnh chụp tại xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy).
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong sản xuất, ngành NN&PTNT Hòa Bình tiếp tục thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: Phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh thực hiện có chiều sâu và thực chất hơn Chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch. Quan tâm xây dựng, phát triển thương hiệu hàng hóa nông, lâm sản có lợi thế so sánh; tích cực thúc đẩy đưa một số sản phẩm chủ lực của tỉnh vào Chương trình xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, gắn với chuỗi giá trị trong nước và hướng tới xuất khẩu. Phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các HTX nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng NTM và phát triển KT-XH ở địa phương.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản bình quân hàng năm đạt 4,5 - 5%. Duy trì tỷ lệ che phủ rừng từ 51,5% trở lên. Duy trì tỷ lệ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của dân cư nông thôn trên 95%. Trong đó phấn đấu 60% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ nông sản hàng hóa qua sơ chế, chế biến đạt trên 30%. Có trên 16 sản phẩm OCOP được chuẩn hóa hoặc nâng hạng.