(HBĐT) - Ngoài phong cảnh núi rừng hùng vĩ, thiên nhiên trong lành, ruộng bậc thang trùng điệp, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) còn được biết đến với nhiều đặc sản như quýt cổ, mật ong, gạo đặc sản… trong đó có loại gạo Trứng Khe vị thơm ngon đặc biệt.


Gạo Trứng Khe trồng ở xã Miền Đồi (Lạc Sơn) với hương thơm đặc biệt, được nhiều người ưa chuộng.

Nếu đến Miền Đồi vào đúng dịp thu hoạch lúa sẽ ấn tượng bởi những cánh đồng lúa vàng rực, trĩu bông, hạt chắc mẩy, hương thơm lan tỏa. Những bông lúa Trứng Khe khác với bông lúa thường bởi hạt lúa lấm tấm đốm vàng, đen. Gạo Trứng Khe được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng cao, hạt ngắn, tròn, ngay khi xát đã có mùi thơm,nấu thành cơm ăn dẻo, mềm,vị ngọt.

 

Được hỏi về nguồn gốc của gạo Trứng Khe, chị Bùi Thị Nguyệt,xóm Thăn cho biết: "Loại gạo Trứng Khe có từ rất lâu đời, có lẽ từ những hạt thóc, hạt lúa được truyền từ đời các cụ để cho con cháu tiếp tục canh tác, sinh sôi. Hương vị của gạo Trứng Khe trở nên đặc biệt khi được trồng ở những vùng đất đồi lạnh như xã Miền Đồi.Nhiều người đã thử trồng ở vùng thấp hơn như các xã Tân Lập, Nhân Nghĩa, Văn Nghĩa, nhưng cây lúa sinh trưởng kém, gạo mùi vị không được thơm ngon như trồng ở Miền Đồi. Do khó trồng, kén đất nên các hộ chỉ trồng diện tích nhỏ, chủ yếu cho nhu cầu gia đình hoặc làm quà tặng,đãi khách quý đến nhà, người thân đi xa về”.

 

Gạo Trứng Khe trồng chủ yếu ở các xóm có địa hình cao, dốc như xóm Thăn, Thượng Riêng, Dóm Bói với diện tích gần 10 ha, năng suất 42 - 45 tạ/ha. Đây cũng là vùng tập trung nhiều ruộng bậc thang chạy quanh các sườn núi, khí hậu lạnh đặc trưng, phù hợp với sự phát triển của giống lúa này. Ông Bùi Văn Thâm, xóm Thượng Riêng cho biết: "Giống lúa Trứng Khe tôi trồng hàng chục năm trước đây nhưng chất lượng gần như không thay đổi, vẫn giữ nguyên được những đặc tính vốn có. Năng suất thu hoạch tương đương với các loại lúa thông thường, xay xát lại cho tỷlệ gạo nhiều hơn, nấu thành cơm thì mềm, vị thơm, để nguội cơm vẫn dẻo nên nhiều người quen vẫn hỏi mua khi gần đến vụ thu hoạch”.

 

Được biết đây là giống tốn ít phân, chịu hạn tốt.Khi xát lúa cho tỷ lệ lượng gạo trên trấu đạt 70%, các loại gạo thông thường chỉ đạt 50 - 60%. Ngoài ra, gạo cũng được nuôi dưỡng từ nguồn suối mát lạnh, trong lành, do đó, những "hạt ngọc trời" sinh ra từ mảnh đất non cao Miền Đồi đã tạo được tiếng vang gần xa. Gạo Trứng Khe khi bày bán ở chợ phiên trong vùng đều được bà mua từ sớm với giá 300.000 - 350.000/yến, cao hơn nhiều so với các loại gạo thông thường.

 

Ông Bùi Văn Đạt, xã Tân Lập chia sẻ: "Cứ đến dịp chợ Chiềng (Tân Lập) họp chợ phiên, người thân, bạn bè tôi lại gọi điện thoại nhờ mua gạo Trứng Khe làm quà. Ai ăn gạo Trứng Khe Miền Đồi một lần sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng mà ít loại gạo nào có được”.

 

Gạo Trứng Khe là niềm tự hào của người dân xã Miền Đồi. Nhằm xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai kế hoạch nhằm phát triển, tạo dựng thương hiệu gạo Trứng Khe Miền Đồi hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, xây dựng sản phẩm OCOP. Để có được những sản phẩm chất lượng, tạo dựng uy tín, xã đã hướng dẫn các hộ dân từ cách ủ giống đúng kỹ thuật đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, bảo quản lúa sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân hạn chế việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

 

Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Chủ tịch UBND xã Miền Đồi cho biết: "Định hướng xây dựng sản phẩm gạo Trứng Khe trở thành sản phẩm OCOP, xã đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về chăm sóc cây trồng; trồng thử nghiệm thêm nhiều nơi, chọn điểm phù hợp để mở rộng sản xuất, trồng tập trung thành vùng, hướng dẫn sử dụng các loại phân hữu cơ để đảm bảo chất lượng gạo ngon nhất. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín vững chắc trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân”.

 

 

 


Hoàng Anh


Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục