(HBĐT)-Hơn 10 năm trước, huyện Mai Châu khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020. Cuối năm 2010, số tiêu chí NTM bình quân của huyện mới đạt 4,7 tiêu chí/xã, toàn huyện có 10/22 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp... Trước bối cảnh đó, cả hệ thống chính trị huyện đồng thuận, quyết tâm tìm ra hướng đi phù hợp, tạo sự đột phá cho huyện vùng cao.
Điểm săn mây tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm.
Xóm Bước, xã Xăm Khòe có 100% dân số là đồng bào dân tộc Thái. Sau khi được quy hoạch thành điểm du lịch, cả xóm chuyển lên địa điểm mới - nơi có khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với khu đồi được bao phủ bởi rừng cọ xanh, có sân vận động rộng rãi phục vụ các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa... Cùng với sự đầu tư hiệu quả về cơ sở hạ tầng, chính quyền và Nhân dân xóm tích cực giữ gìn, bảo vệ và phát triển các nét đặc trưng văn hóa dân tộc, tạo sức hút cho du lịch cộng đồng (DLCĐ) nơi đây. Ông Hà Văn Nhiệu, xóm Bước cho biết: Để DLCĐ ngày càng hấp dẫn du khách, gìn giữ và phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc, xóm đã thành lập đội văn nghệ; các hộ đầu tư phát triển mô hình homestay một cách bài bản, để mỗi năm sẵn sàng đón hàng nghìn lượt du khách ghé thăm. Với lộ trình phát triển phù hợp, xóm Bước đã và đang là địa điểm trải nghiệm văn hóa dân tộc Thái hấp dẫn, nổi bật trong quần thể "Bản người Thái gắn với du lịch” của huyện.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, XXV, huyện Mai Châu phấn đấu phát triển DLCĐ gắn với xây dựng NTM. Theo đó, huyện định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các quyết sách quan trọng như: Nghị quyết số 04 của BCH Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng NTM và phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển du lịch huyện Mai Châu giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030...
Định hướng phát triển KT-XH xuyên suốt của huyện đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 được xác định mục tiêu đột phá là tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực tối ưu, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của huyện; đảm bảo phát triển bền vững, dài hạn trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Theo đó, huyện chia thành 4 vùng, gồm: vùng Tây Nam với các xã: Cun Pheo, Bao La, Xăm Khòe, Mai Hịch, tập trung phát triển rừng cây gỗ lớn, rừng sản xuất; chú trọng phát triển đại gia súc và nuôi gà thả vườn quy mô lớn; thu hút đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Vùng dọc quốc lộ 15 và các vùng lân cận thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu hút đầu tư các dự án nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, gồm các xã: Tòng Đậu, Nà Phòn, Chiềng Châu, Mai Hạ, Vạn Mai, thị trấn Mai Châu; vùng lòng hồ sông Đà gồm các xã: Sơn Thủy, Tân Thành, Đồng Tân tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, DLCĐ, du lịch tâm linh, khai thác, nuôi trồng các loại cây, con đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Các xã vùng cao (Hang Kia, Pà Cò, Thành Sơn) tiếp tục duy trì, mở rộng các điểm DLCĐ, thu hút đầu tư xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch trải nghiệm, khám phá. Đặc biệt, tập trung quảng bá tiềm năng, thu hút đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp hồ Sam Tạng; liên kết phát triển, nuôi trồng các loại cây, con đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa...
Đến nay, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Huyện đã có gần 20 dự án du lịch, một số khu du lịch chất lượng tốt như: Avana Resort, Ba Khan Village Resort, Mai Chau Hideaway Resort, Mai Châu Lodge, Mai Châu Ecolodge...; nhiều điểm DLCĐ tại các xã: Chiềng Châu, Xăm Khòe, Sơn Thủy, Hang Kia, Pà Cò…
Bên cạnh đó, huyện đã chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản phẩm OCOP như rau su su, vịt cổ xanh, tỏi tía Mai Châu, khoai sọ Phúc Sạn… Các ngành nghề truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Đồng chí Phạm Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu cho biết: Để đánh thức tiềm năng, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2021 - 2025. Tăng cường quảng bá du lịch; khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, dự án khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện và bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện, huyện chú trọng đối thoại với các nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, cũng như kiến nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp định hướng chung của huyện, nhất là những dự án có hàm lượng KHKT cao...
Thu Hằng
(HBĐT) - Với hệ thống đường giao thông, cơ sở hạ tầng khá đồng bộ, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện đã giúp hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
(HBĐT) - Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã giúp KT-XH của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cụ thể:
(HBĐT) - Năm 2022, năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hoà Bình lần thứ II, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố đã quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT -XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
(HBĐT) - Những năm qua, tỉnh ta từng bước khai thác, phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất công nghiệp (SXCN), tiểu thủ công nghiệp (TTCN), tạo chuyển biến rõ nét cả về quy mô và chất lượng.
(HBĐT) - Là huyện nghèo duy nhất của tỉnh, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện vùng cao Đà Bắc đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để vượt khó, xây dựng quê hương ngày một ấm no. Trong đó, quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng được huyện coi là "chìa khóa” quan trọng nhất.
(HBĐT) - Năm 2022, huyện Yên Thủy có thêm 2 xã là Bảo Hiệu, Lạc Lương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Như vậy, cùng với Hữu Lợi đã được công nhận năm 2021, huyện có 3/5 xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) đạt chuẩn NTM. Việc đầu tư xây dựng NTM tại các xã vùng ĐBKK góp phần quan trọng cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.