(HBĐT) - Là một trong bốn khâu đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng trong định hướng không gian phát triển của tỉnh hướng về Vùng Thủ đô, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Một góc thành phố Hòa Bình đổi mới.
Với sự tập trung chỉ đạo của BTV Tỉnh uỷ, tỉnh đã cơ bản hoàn thành quy hoạch tỉnh, trình Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng để quản lý, định hướng không gian phát triển, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra: phấn đấu đến năm 2030, kinh tế của tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đến năm 2050, Hòa Bình trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Trong năm 2022, các sở, ngành chức năng, các địa phương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch địa phương đảm bảo chất lượng, tiến độ, phù hợp với quy hoạch tỉnh và tuân thủ các quy định liên quan, đặc biệt chú trọng bảo vệ, phát huy các tiềm năng, lợi thế phát triển.
Là trung tâm của tỉnh, thành phố Hoà Bình đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2045. Theo đó xác định, thành phố Hòa Bình là một trong những đô thị trung tâm Vùng Thủ đô Hà Nội, là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc vùng Tây Bắc; là thành phố của cảnh quan thiên nhiên, phát triển hai bên bờ sông Đà, kết nối với hồ Hòa Bình; phát triển đô thị về phía Đông Bắc, dọc theo tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình… Các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của thành phố đã được tích hợp với quy hoạch chung, đặc biệt tính tới khai thác cảnh quan tuyến sông Đà để phát triển đô thị hiện đại, mang bản sắc riêng có, phát triển đô thị, công nghiệp dọc các trục giao thông quan trọng như đường Hoà Lạc - Hòa Bình, đường liên kết vùng, đường Quang Tiến, Thịnh Minh… Trên cơ sở đó thực hiện các giải pháp quản lý quy hoạch, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng KT-XH, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt đô thị loại II trước năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và của Đảng bộ thành phố.
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình, bản sắc văn hóa đậm đà, có nguồn nước khoáng được coi là "vàng trắng", huyện Kim Bôi được xác định là vùng trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh với rất nhiều dự án đang nghiên cứu, đề xuất, triển khai đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đô thị, sinh thái. Đồng chí Bùi Văn Điệp, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: UBND huyện đang tiến hành lập và quản lý 47 đồ án quy hoạch, trong đó có đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện; 16 đồ án quy hoạch chung với 14 đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, 1 đồ án quy hoạch chung thị trấn Bo và vùng phụ cận, 1 đồ án quy hoạch chung khu vực xã Cuối Hạ và xã Nam Thượng; 21 đồ án quy hoạch phân khu và 9 đồ án quy hoạch chi tiết… Quy hoạch tỉnh và huyện Kim Bôi xác định trong tương lai, huyện trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao của khu vực và cả nước, dựa trên tiềm năng là nguồn khoáng nóng chất lượng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường trong lành, có bản sắc văn hóa độc đáo.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, BTV Tỉnh uỷ đã chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch tỉnh với định hướng, mục tiêu xác định rõ khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế với trục phát triển hướng về Thủ đô Hà Nội, phát triển KT - XH nhanh và bền vững, gắn với đảm bảo QP-AN trên địa bàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình đạt trình độ phát triển trung bình khá của cả nước, thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, công nghệ cao là cơ sở, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị thông minh, đô thị xanh, gắn với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo đảm QP-AN vững mạnh. Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 9%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8%/năm; đến năm 2030, tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp chiếm 13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 51%, dịch vụ chiếm 32%; thu ngân sách Nhà nước đạt từ 16.000 - 18.000 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7.132 triệu USD.
Tỉnh tập trung phát triển 4 trụ cột cốt lõi là chế biến, chế tạo giá trị cao hơn, kinh doanh nông nghiệp, du lịch và phát triển nhà ở vệ tinh. Trong đó, xác định du lịch là mũi nhọn, du lịch sẽ trở thành điểm đến "sinh thái và nghỉ dưỡng” với bốn chủ đề khác nhau, bao gồm "Hồ & Núi”, "Văn hóa & Dân tộc”, "Sức khỏe & Thư giãn” và "Thủ phủ Golf”. Tỉnh chú trọng thu hút đầu tư vào các khu vực có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường như hồ Hòa Bình; các huyện: Mai Châu, Lạc Thủy, Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thuỷ… Bên cạnh đó, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa, cải thiện đời sống người dân. Phát triển du lịch với mục tiêu Hòa Bình trở thành địa điểm nghỉ dưỡng đẳng cấp không chỉ trong nước mà còn trong khu vực, quốc tế…
Định hướng phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, gắn công nghiệp với phát triển đô thị, chú trọng các dự án tạo nguồn thu lớn, bền vững cho ngân sách, giải quyết việc làm, phát triển bền vững. Đối với phát triển nông, lâm nghiệp, định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, xanh; nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ, hướng tới thị trường Thủ đô. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất "hữu cơ và chất lượng cao” với việc tập trung hóa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chuỗi nông nghiệp chất lượng cao hơn, bể chứa carbon thương mại và du lịch nông nghiệp. Phát triển ngành chế biến, chế tạo giá trị cao, chế biến gỗ giá trị cao hơn, mở rộng chuỗi giá trị của ngành sản xuất điện tử, trung tâm sản xuất, thiết kế nội thất cao cấp... Phát triển đô thị ở Hòa Bình với phát triển đô thị xanh hỗn hợp, xây dựng ngôi nhà thứ hai cho du khách và cộng đồng nhà ở xã hội dân tộc thiểu số.
Cùng với công tác quy hoạch tỉnh, BTV Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo triển khai các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các thủ tục để khởi công các dự án trọng điểm; đẩy nhanh thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công các dự án giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, đường từ thị trấn Xuân Mai đi thị trấn Lương Sơn; đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La); Dự án kết nối hạ tầng giao thông thủy lợi tỉnh Hòa Bình với hạ tầng giao thông quốc gia…; tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm khởi công và khai thác theo kế hoạch, tạo động lực phát triển bền vững.
Lê Chung
Nhìn nhận về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, thời gian tới có 2 vấn đề nổi lên là áp lực về lạm pháp và giải ngân vốn đầu tư công.
(HBĐT) - Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân tăng mạnh. Đây cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh lợi dụng để buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo vệ người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) cùng các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
(HBĐT) - Thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, năm 2022, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phát động đến 100% xã, phường, thị trấn và vận động hội viên đăng ký tham gia phong trào. Theo đó, toàn tỉnh có 65.600 hộ đăng ký danh hiệu "Sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp, có 36.500 hộ đạt danh hiệu, bằng 110,6% chỉ tiêu giao.
(HBĐT) - Năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Lạc Thủy đạt 287.525 triệu đồng, đạt 170,94% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 100% Nghị quyết HĐND huyện giao, tăng 66,19% so với cùng kỳ; trong đó, thu tiền sử dụng đất 171.825 triệu đồng, đạt 171,83% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 80,19% dự toán HĐND huyện giao; thu từ các khoản thuế, phí 115.700 triệu đồng, đạt 169,65% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 157,97% dự toán HĐND huyện giao.
(HBĐT) - Doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) có quyền thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận đã được đưa ra trong hợp đồng bảo hiểm (HĐBH), yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến giao kết và thực hiện HĐBH, có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBH, có quyền hủy bỏ HĐBH hoặc đơn phương chấm dứt HĐBH theo quy định của pháp luật. DNBH có nghĩa vụ trả tiền hoặc bồi thường cho bên mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Trong hai tuần đầu tiên của năm mới 2023, một số ngân hàng đã chính thức công bố kết quả kinh doanh năm qua với nhiều số liệu khả quan.