Những ngày đầu năm Quý Mão 2023, một số nơi tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ xảy ra tình trạng các cửa hàng xăng dầu tạm dừng bán hoặc bán "nhỏ giọt”, cầm chừng ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những ngày đầu năm mới.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng xăng dầu tại tỉnh An Giang thời điểm tháng 9/2022. (Ảnh minh họa: nhandan.vn)

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng xăng dầu tại tỉnh An Giang thời điểm tháng 9/2022. (Ảnh minh họa: nhandan.vn)

Tại một cửa hàng xăng dầu ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, nhân viên cửa hàng chỉ bán cho mỗi xe ô-tô nhiều nhất là 200.000 đồng. Chúng tôi còn chứng kiến một xe ô-tô mới đổ đến 155.000 đồng thì nhân viên thông báo "bồn hết nhiên liệu, không còn đủ 200.000 đồng”, rồi rút cò bơm lắp vào trụ và không giải thích gì thêm.

Trước đó, nhân viên cửa hàng xăng dầu này cũng cho biết, chủ cửa hàng "quy định” xe máy chỉ được mua 30.000 đồng/xe/lần. Những xe gắn máy đang chờ đến lượt đổ xăng sau chiếc ô-tô trên cũng bị nhân viên từ chối bán hàng với lý do "hết hàng”… đột ngột. Một người đàn ông đi xe máy chở theo một can nhựa loại 5 lít đến mua xăng về để chạy ghe, bơm nước tưới hoa màu cũng không mua được hàng. Một người khác đến mua 20 lít dầu D.O để bơm nước lên đồng cũng không được cửa hàng đáp ứng.

Theo lý giải của nhân viên cửa hàng là do thiếu nguồn cung, giá xăng dầu lại biến động liên tục cho nên cửa hàng kinh doanh bị thua lỗ, hết vốn nhập hàng. Đồng thời, giá bán xăng dầu tại địa bàn tỉnh An Giang cao hơn mức công bố của Liên bộ Tài chính-Công thương (mỗi đợt điều chỉnh) 200 đồng/lít được giải thích là do An Giang thuộc khu vực 2, có quãng đường xa, dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn, từ đó giá bán cũng cao hơn.

Không chỉ tại tỉnh An Giang, tình trạng "khan hiếm” xăng dầu còn diễn ra trong các ngày Tết Quý Mão 2023 tại nhiều nơi ở Tây Nam Bộ. Nguyên nhân được lý giải là do thiếu nhân viên bán hàng trong những ngày nghỉ Tết. Thậm chí, từ 19 giờ 30 phút đến 20 giờ hằng ngày, dọc theo các tuyến đường phố nội ô đến ngoại ô thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An "mọc” lên các điểm bán xăng lẻ trong chai nhựa nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân khi các cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động vào ban đêm. Tuy nhiên, việc này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy cơ cháy nổ và khó kiểm chứng chất lượng xăng, bảo đảm an toàn cho phương tiện hoạt động ổn định…

Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã thành lập Tổ công tác giám sát tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng... và kết hợp kiểm tra công vụ, tình hình trực Tết của cục quản lý thị trường các địa phương. Qua công tác kiểm tra, một số vi phạm đã được xử lý, kịp thời khắc phục được tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa.

Đồng thời, Tổng cục đã chỉ đạo cục quản lý thị trường các địa phương tiến hành trực 24 giờ trong ngày nhằm giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Việc kiểm tra, giám sát sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục, ổn định; không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu hay tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.

Đây là những việc làm cần thiết và cần duy trì thường xuyên với việc cung ứng linh hoạt mặt hàng thiết yếu và hết sức nhạy cảm trong đời sống. Có như vậy mới bảo đảm cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân trong những ngày đầu năm mới và tránh được tình trạng "gian thương” "đục nước béo cò”, gây bất ổn sinh hoạt, đời sống và mất ổn định an ninh năng lượng cục bộ tại địa bàn một số tỉnh, thành phố.

Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Nhu cầu mua sắm của người dân mùng 5 Tết sẽ tăng hơn

Đại diện Bộ Tài chính tối 25/1 cho biết: Nhu cầu mua sắm của người dân ngày 5 Tết, tức ngày 26/1 sẽ tăng hơn so với mùng 4 Tết do nhu cầu đi lại của người dân trở về các thành phố lớn, chuẩn bị cho ngày đi làm từ mùng 6 Tết.

Làng nghề nhộn nhịp vào xuân

(HBĐT) - Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) lâu đời của tỉnh như làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; rượu Mai Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu); làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy); chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)… được bảo tồn và phát triển. Mỗi khi Tết đến, xuân về, không khí lao động của bà con trong làng nghề nhộn nhịp, khẩn trương.

Giá cả hàng hóa dịp Tết ổn định, cung cầu thị trường sôi động

Báo cáo tình hình giá cả thị trường và các biện pháp bình ổn giá trước và trong Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 của Bộ Tài chính cho biết, tính từ những ngày giáp Tết tới ngày mồng 2 Tết, tổng quan mặt bằng giá cả thị trường trong nước cho thấy tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động theo quy luật hằng năm. Các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết vẫn diễn ra tương đối nhộn nhịp trước Tết. Lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Âm vang quê hương Tổng Kiêm - Đốc Bang

(HBĐT) - Năm Quý Mão đã cận kề. Giữ lời hẹn với lãnh đạo xã và khát vọng của người cầm bút, tôi lại hăm hở trở về xã Mông Hóa, quê hương của hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang - người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xưa kia. Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910” huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình), tỉnh Hòa Bình là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục