(HBĐT) - Ngày 25/4/2023, Sở Tài chính ban hành Công văn số 1262/STC-QLNS về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023.
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN của tỉnh do Thủ tướng Chính phủ giao là 10.091 tỷ đồng, HĐND tỉnh giao 11.815 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/3/2023, tổng giá trị thanh toán kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh là 534,7 tỷ đồng, đạt 5,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 4,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (đạt 19,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, 11,5% kế hoạch HĐND tỉnh giao).
Xác định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023 của tỉnh, do đó, Sở Tài chính đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án nghiêm túc triển khai, tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân VĐTC, cụ thể:
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư nhằm sớm phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đã được HĐND tỉnh giao theo đúng quy định.
Phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu, đơn vị cung ứng vật tư, vật liệu để giải quyết khó khăn, vướng mắc về nguồn cung nhằm đảm bảo điều kiện thi công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói thầu. Trường hợp cần tăng mức tạm ứng vốn để đáp ứng nhu cầu cung ứng vật tư, vật liệu, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án báo cáo người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với quy định về nguyên tắc tạm ứng vốn, bảo lãnh tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP, ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng VĐTC và chịu trách nhiệm về việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, có hiệu quả.
Phối hợp với nhà thầu để hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát chi ngay sau khi đủ điều kiện tạm ứng vốn hoặc có khối lượng hoàn thành. Đối với các dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài, các đơn vị khẩn trương gửi hồ sơ rút vốn tới Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện giải ngân theo quy định đối với các khối lượng đã được kiểm soát chi, không để tồn đọng, đặc biệt là các khoản hoàn chứng từ tài khoản đặc biệt.
Đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan (tư vấn, nhà thầu) theo các nguồn vốn (vay, viện trợ, đồng tài trợ, đối ứng), đảm bảo việc thực hiện thông suốt, kịp thời phát hiện các vướng mắc để xử lý hoặc báo cáo cơ quan chủ quản xử lý theo thẩm quyền, xin ý kiến "không phản đối” của nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành; chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tăng cường việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên Trang thông tin dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước nhằm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao, đối với những dự án giải ngân thấp, không có khả năng hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn trong năm, đề nghị có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chuyển vốn sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn.
Đ.H (TH)