(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng tăng trưởng thấp, chỉ trên 1% so với thời điểm đầu năm đã phần nào tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh. Điều đó cũng cho thấy tín hiệu cảnh báo về khả năng hấp thụ vốn khá chậm, đòi hỏi cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN.


BIDV Hòa Bình là một trong những ngân hàng chủ lực trong hỗ trợ  nguồn vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.  Ảnh chụp tại Phòng giao dịch Phương Lâm (TP Hòa Bình).

Theo đại diện một DN xây lắp trên địa bàn TP Hòa Bình, nhiều DN rất muốn vay vốn ngân hàng để đảm bảo hoạt động nhưng ngược lại, một số DN phải tìm cách bán bớt tài sản để sớm trả một phần khoản vay, giảm gánh nặng lãi suất. Bởi lẽ trên thực tế, với lãi suất vay hiện bình quân trên 10%/năm thì rất khó cho các DN có lãi trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, nền kinh tế chung hiện nay khó khăn, tình hình giải ngân vốn đầu tư công chậm, thị trường cạnh tranh khốc liệt dẫn đến không ít DN thời gian trước có ý định vay vốn mới, đến nay tạm thời trì hoãn chờ đợi tín hiệu tình hình kinh tế khởi sắc.

Anh T., chủ một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp cho hay: "Thời gian qua tôi đã phải bán một số tài sản như bất động sản (BĐS) để trả nợ ngân hàng.  Tuy nhiên, không ít DN muốn bán tài sản để trả bớt ngân hàng cũng rất khó, vì hầu hết tài sản của DN tập trung vào BĐS. Trong bối cảnh BĐS trầm lắng, không có thanh khoản như hiện nay thì giai đoạn tới sẽ rất khó khăn cho các DN".

Đại diện Hiệp hội DN tỉnh nhận định, tín dụng tăng chậm một phần do kinh tế khó khăn làm nhu cầu vay vốn sụt giảm. Nhưng mặt khác, nhiều DN cho biết việc tiếp cận vốn vay cũng không dễ vì thiếu tài sản đảm bảo, kể cả các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng cũng không dễ dàng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, tính đến ngày 30/4/2023, tổng dư nợ của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 34.696 tỷ đồng, tăng 1%, tăng 345 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2022, trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 44,3%/tổng dư nợ; dư nợ trung, dài hạn chiếm 55,7%/tổng dư nợ. Toàn ngành ngân hàng cả nước, tính đến cuối tháng 3/2023 dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,06% so với cuối năm 2022.

Tín dụng tăng trưởng chậm phản ánh mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong quý I/2023, thu ngân sách Nhà nước, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 3,88%, trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,19%; công nghiệp - xây dựng tăng 2,92%; dịch vụ tăng 5,6%; thuế sản phẩm giảm 0,55%. Đánh giá của UBND tỉnh cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp - xây dựng tuy có tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đạt so với tiến độ đề ra. Đặc biệt, liên quan đến tình hình hoạt động SXKD của các DN vẫn còn khó khăn, trong 3 tháng đầu năm có 110 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, 15 DN giải thể.

Được biết, về mức lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn đang thấp hơn 1 - 2%/năm so với lĩnh vực kinh doanh thông thường. Nhưng để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn này cần sự đồng hành hơn nữa từ các ngân hàng trong các chính sách tiếp cận vốn.

Đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh cho hay, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đồng thời, thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình và giải pháp hỗ trợ khách hàng vay vốn để triển khai, phối hợp thực hiện.

Song song với đó, ngành ngân hàng tiếp tục đa dạng hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN trên địa bàn. Đảm bảo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, cung ứng vốn tốt phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, nhất là các DN nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi, phát triển SXKD. 


Hồng Trung


Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục