(HBĐT) - Ngày 6/6, tại TP Hoà Bình, Sở NN&PTNT tổ chức diễn đàn "Sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, điểm nghẽn trong phát triển các chuỗi sản xuất nông, lâm nghiệp và giải pháp khắc phục”.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh, sơ chế, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và người sản xuất tiêu biểu tại các huyện: Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Yên Thuỷ.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề xoay quanh việc phát triển vùng nguyên liệu, chỉ ra những khó khăn trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là những loại nông sản có thế mạnh như bưởi, cam, mía...
Các đại biểu kiến nghị, đề xuất Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong các khâu giống, chăm sóc, đến khâu sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng. Hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kho lạnh bảo quản sản phẩm, bao bì, tem truy xuất và xây dựng các mô hình, dự án về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng khu sơ chế tại vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu tại đơn vị, trong đó đưa ra các yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, thời điểm thu mua, giá thu mua; kịp thời thu mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch, tuân thủ các cam kết hoặc hợp đồng đã ký với người sản xuất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ ban đầu để giảm bớt khó khăn về tài chính cũng như tạo niềm tin cho người sản xuất...
Trao đổi tại diễn đàn, lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết: Để các sản phẩm nông sản của tỉnh ngày càng khẳng định được chất lượng, thương hiệu, cũng như được tiêu thụ tốt trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho người dân, trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: trước hết là công tác tiếp cận thông tin về thị trường; người sản xuất phải tuân thủ đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí, mẫu mã bao bì, chất lượng sản phẩm; thực hiện nghiêm ngặt theo yêu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu; ký kết chặt chẽ các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân; cần xây dựng vùng sản xuất tập trung để có sản phẩm đủ lớn, đồng nhất, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường; tuân thủ theo đúng các yêu cầu, khuyến cáo của cơ quan chuyên môn; cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, HTX và người dân để việc liên kết sản xuất được tốt hơn; đồng thời, HTX và người dân phải có cam kết thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp…
Thanh Hằng
(Trung tâm Khuyến nông tỉnh)